Đèn khuya - Truyện ngắn dự thi của Trần Huyền Trang (TP.HCM)

04/11/2023 16:00 GMT+7

Tâm thường thấy mình chạy trong giấc mơ, chạy miệt mài, đến một nơi có ánh sáng xua tan nỗi sợ hãi của của bóng tối đầy quyền lực đang bủa vây mình.

Tâm đã chạy sau khi thoát khỏi trạng thái mơ hồ của trận sốt năm cô bốn tuổi. Trong mơ, vía mình bao giờ cũng có một sức mạnh kỳ lạ. Đôi khi sức mạnh đó đến từ chính nỗi sợ hãi. Cô luôn sợ khi đánh mất một thứ gì đó đã từng cầm nắm trong tay mình. Cô khóc òa khi phát hiện con gấu bông mà mình yêu thích bỗng dưng biến mất. Cô đổ bệnh khi tóc con búp bê bị chuột cắn nham nhở, con mèo Mimi đã theo mẹ nó lên thiên đường, bỏ rơi cô… Mẹ nói, nếu sợ mất, con phải nhanh lên. Cuộc đời mẹ, nếu không nhanh cũng đã mất thứ mẹ yêu quý hơn cả bản thân mình. Sau này, con đừng yếu đuối, trước khi trông chờ vào một phép màu, hoặc một ai đó chìa tay giúp đỡ, con phải tự cứu mình.

Đèn khuya - Truyện ngắn dự thi của Trần Huyền Trang (TP.HCM) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Shutterstock

Năm đó, trong cơn mê sảng ấy, cô thấy tay chân mình bị trói chặt bởi những sợi dây màu trắng mỏng manh như sợi chỉ. Toàn thân cô đau bời bời, những sợi chỉ càng tỏ ra trêu ngươi. Chỉ là những sợi chỉ mà mình cũng không thể gỡ ra được. Nếu cứ như thế, mình chẳng khác một con ruồi, con ong bay lạc vào trận đồ của một con nhện. Mình sẽ là một xác ruồi xác ong mục ruỗng trong bụng một con nhện nào đó. Không! Mình phải chạy. Con phải chạy. Chạy đi, Tâm. Nhanh! Về nơi nào có ánh sáng! Tiếng mẹ như làn sóng vỗ mơ hồ trong đầu. Cô không biết mẹ đang gào thét với cô hay với chính bà. Bởi lúc đó, cô cảm nhận được những giọt nước nóng hổi rớt trên mặt mình.

Cô lờ mờ thấy mình cố nhấc tấm thân rã rời lên, nhưng không được. Tai cô âm vang tiếng xe lam nổ phành phành. Đường lên phía hồ Trị An ban đêm lổm ngổm đá, tuyền một màu đen, không một bóng điện. Bóng đèn của chiếc xe nảy tưng theo từng đợt xốc bánh. Hai bên đường, dãy rừng tràm với những tán lá rậm rạp buôn chuyện xào xạc. Cả thân người chỉ còn da bọc xương của cô nảy lên theo từng nhịp nhấp nhô của chuyến xe cà tàng đang cố chạy hết tốc lực theo lời khóc than của mẹ. Tâm chỉ biết mình còn sống khi người thầy thuốc ấy cố lật mi mắt cô lên xem, mở khuôn miệng mím chặt, nắn những ngón tay chỉ còn xương. Đó là một ông già râu tóc đã điểm sương. Khuôn mặt điềm đạm dưới ánh đèn dầu leo lét sáng xuyên đêm, hắt từ song cửa sổ nhỏ không bao giờ đóng thứ hy vọng lạ lùng. Mẹ cô đã vịn vào thứ hy vọng đó mà vượt quãng đường xa, mang cô chạy đến. Sau tròng kính trắng, ánh mắt ấy thật hiền từ.

- Đúng ban khỉ rồi! Chỉ có phân ngựa bạch, may ra cứu được!

Phân ngựa bạch ở đâu? Cuối xóm. Về phía giáp lòng hồ. Một gia đình giàu có ở Sài Gòn đã mua một khoảnh đất rất rộng lớn nơi này làm điền viên, an hưởng tuổi già. Con ngựa bạch đực với lớp lông tơ trắng mềm, bốn móng chân ngả màu ngà, cặp mắt hồng lên dưới ánh đèn soi rọi chính xác là thứ quý giá nhất trong trang trại ngựa của điền viên. Và lúc này, nó đẹp tựa một thiên thần. Một thiên thần đâu bao giờ ngó lơ trước sự sống chết của một đứa trẻ như Tâm.

Mẹ cô kể, từ nhà ông thầy đến trang trại ngựa phải băng thêm hai quãng rừng tràm, vắng ngắt. Cây đèn măng xông trên tay ông thầy có lúc chập chờn như ma trơi. Cả ông và mẹ cô đều không nhìn rõ đường đi, phải nắm áo đứa con trai của ông thầy. Đứa con trai ấy chỉ lớn hơn cô một tuổi. Hằng ngày, cậu nhóc thường rong ruổi cùng đám bạn đi khám phá hết mọi ngóc ngách. Có khi cậu ta đi biệt cả ngày, tối về chuộc tội với cha bằng ôm lá thuốc thảo dược mọc trong những rừng tràm rậm rạp. Và cũng chính cậu ấy mới là người biết vùng này có con ngựa bạch.

***

Hôm đó, Tâm không chạy trong mơ nữa. Cô chạy ngoài đời thực, giữa khuya - khi phố xá đã lặng tờ, chỉ còn một vài người hành khất sửa soạn chỗ ngả lưng tìm giấc ngủ tạm bợ trước một mái hiên. Tâm vừa chạy vừa khóc, chính xác là cô gào thét. Thằng con trên tay cô đã mềm oặt, môi tím vì những cơn khó thở bất ngờ ập đến. Cô chạy được một đoạn thì nghe tiếng chồng cũng chạy theo. Anh quát lớn: "Đợi anh lấy xe!". Nhưng dường như tai cô đã đông đặc, chỉ có thể nghe được mỗi nhịp tim yếu ớt của con mình. Khi nào thì người ta có sức mạnh thật kỳ lạ? Ngay lúc này đây, khi đứa con đang trong cơn nguy hiểm. Thay vì trông chờ vào chồng, cô đã bật dậy như lò xo, ẵm đứa nhỏ lao đi vùn vụt qua dãy phố. Cô cảm giác mình đang bay, không phải là chạy trên mặt đất nữa.

Cho đến khi có ai đó giật đứa nhỏ khỏi tay, cô mới bàng hoàng nhận ra mình đã kịp "đáp" trước phòng trực cấp cứu của bệnh viện.

- Đứa bé bị sao?

- Không… không… thở…

Cô cảm giác rõ ràng cơn nghẹn ngay ngực trái, như một khối đá lớn chặn những nhịp thở vội vàng. Tiếng chân chạy theo băng ca xoèn xoẹt. Bóng áo trắng lướt qua mặt cô nhòe dần. Chỉ còn tiếng chồng cô cằn nhằn, bực dọc:

- Nghĩ sao mà ẵm thằng nhỏ chạy như điên vậy, rủi có gì thì sao? Em thật… khiến người ta tức chết được!

Nghĩ gì? Tâm đã nghĩ được gì ngoài sự trống rỗng. Mọi thứ trống rỗng. Cô sợ rồi vòng tay ôm của mình cũng trở nên trống rỗng. Sự trống rỗng ấy chỉ phai lạt đi khi cô nhìn thấy ánh đèn sáng trưng phía trước mặt. Cô lao nhanh đến, và chừng như khuỵu xuống vì kiệt sức. Trong cơn run rẩy, cô cúi rạp xuống hành lang, cầu nguyện.

***

Đêm sâu. Những bức tường dài hun hút. Nếu những khoa khác vẫn chộn rộn tiếng người thì khoa phẫu thuật thường chìm trong im vắng. Tâm không ngủ được. Mắt cô cứng đờ nhưng vẫn không tài nào khép mi lại được. Mọi thứ hỗn độn trong đầu đang vật lộn và chực chờ nổ tung. Ai đó hãy mở cánh cửa phòng mổ kia ra. Ai đó hãy nói rằng con cô vẫn ổn với trái tim bình yên. Phép màu nào đó, làm ơn hãy xuất hiện, nếu phải đánh đổi cả sinh mạng mình để cứu con, cô sẵn sàng.

Tâm lê bước dọc hành lang. Phía cuối dãy, ánh sáng từ một căn phòng phát ra sáng trưng. Cô thả những bước chân vô thức về phía đó.

***

Từ thả ánh nhìn thõng thượt ra màn đêm. Phía đối diện là khu hậu phẫu, cách dãy phòng mổ một bãi cỏ xanh mướt và một dãy những cây me cổ thụ xanh um. Từ nhớ rất nhiều khuôn mặt non nớt nhìn anh, hỏi nhỏ:

- Bác ơi, những chùm hoa trên cao kia là gì?

- Kia à? Kia là những chòm sao lấp lánh. Các con có thấy chúng đẹp không?

- Đẹp thiệt. Nhưng hình như tụi nó… hông phải ngôi sao. Hoa của cây me, đúng không bác?

- Giỏi quá! Bác quên mất, có những ngôi sao đang lấp lánh ngay bên trong căn phòng này rồi. Kia chỉ là hoa me. Hoa me, thật!

Tụi nhỏ cười. Những nụ cười có hơi méo mó vì vết mổ vừa hết thuốc tê. Có hề gì đâu, miễn anh được nhìn thấy chúng cười, khỏe mạnh, bình an sau một giấc ngủ dài trên bàn mổ.

Nhưng cũng có những nụ cười đã bị giấu đi.

Như đêm nay. Một ca mổ buộc phải dừng lại lúc ba giờ sáng. Dù đã tiên lượng trước, đây là một ca nặng, quá sức nhưng còn nước còn tát. Trước đó, kíp mổ của anh đã thực hiện liên tục hai ca mổ cấp cứu trong đêm, đều là những trái tim non nớt cần nâng niu. Rời khỏi phòng mổ, một sức nặng vô hình trì níu những bước chân anh ngoài hành lang. Từ rũ mình bên song lan can. Dù đã thực hiện nghi thức cúi mình từ biệt, anh vẫn không thể rũ khỏi tâm trí mình khuôn mặt của một thiên thần nhí đã nhẹ gót bay lên thinh không. Điều mà một bác sĩ sợ đối diện nhất là chính lúc này: không giữ nổi một sinh mệnh trong tay mình.

Vai Từ run lên. Anh quay mặt vào vách tường. Giá như ba anh còn sống, anh có thể sà vào đôi tay ám đầy mùi cây cỏ của ông, để được xoa dịu đôi ba phần. Đời bác sĩ, Từ thèm được nức nở mỗi khi bất lực. Nhưng ai sẽ chìa một bàn tay cảm thông cho anh vịn lấy, đứng lên? Không ai, không điều gì ngoài những thét gào giận dữ của người nhà bệnh nhi. Cũng như cô ấy, người mà anh đã tha thiết mong cầu một lần soi thấu, cảm thông. Chỉ cần cô ấy còn ở đó, lặng im như như vách tường, để anh có thể quay mặt vào, nức nở. Nhưng cô ấy không phải là vách tường. Cô ấy có chân và cô ấy đi. Cô có một trái tim cô đơn cần sưởi ấm.

- Bác sĩ!

Từ giật mình, ánh nhìn của anh chạm phải khuôn mặt rũ rượi của người phụ nữ với nỗi âu lo phập phồng trong ánh mắt. Tim anh như nghẹn lại.

- Con em, đứa nhỏ, nó...

- Bình An, phải không?

- Phải, Bình An, nó…

Ừ thì nó…

Bình an!

Khi anh nhìn sâu vào mắt cô, anh luôn tin thằng nhỏ là Bình An. Một linh cảm nào đó khiến anh đều phải nhìn lâu hơn vào bất kỳ một đứa bé nào tên Bình An khi được đưa vào đây. Dù không bao giờ mong muốn phải gặp mặt con của cô, Từ vẫn luôn nhớ rằng cuộc đời này không bao giờ toàn vẹn. Anh luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận, khâu vá, chữa lành những thứ không toàn vẹn ấy. Dù có lúc những mũi kim, mũi thuốc đều bất lực trước sự sắp đặt có phần cay nghiệt của tạo hóa.

***

Tâm mời Từ ly cà phê nóng. Từ thoáng chút bối rối, nhưng rồi sức nóng của ly cà phê cũng giúp anh bình tâm trở lại. Tiếng dế kêu đêm ri ri trong bãi cỏ. Nếu đây không phải là bệnh viện, mọi thứ sẽ trở nên dễ chịu biết bao. Chỉ đến khi đặt chân vào nơi này, con người ta mới biết quý trọng những phút giây được an ổn trong nhà mình.

- Sao anh biết thằng nhỏ là Bình An?

- Em quên rằng anh là một bác sĩ? Một bác sĩ sẽ không bao giờ quên những gì mình từng nói, từng làm, trừ khi anh ta… mất trí.

Tâm thở dài. Anh vẫn không quên cái tên mà anh dự định sẽ đặt cho đứa con của hai người. Điều đó cũng có nghĩa anh chưa bao giờ quên cú quay lưng của cô. Tâm không phản bội anh. Nhưng cô chọn rời đi. Anh từng ví rằng anh và cô như một khối rubik. Chỉ cần một mảnh ghép rơi ra, khối rubik trở nên vô dụng. Cô rời đi, nhưng vẫn đau đáu một nỗi niềm. Giá như nghề của anh bớt khắc nghiệt một chút, nỗi cô đơn của cô những khi nhìn từ cửa sổ nhà mình ra đêm đen sâu hút đã không có cơ hội dày lên. Và cô ước giá như trái tim cô bớt yếu mềm. Cô từng trách anh vô tâm, luôn sẵn sàng lao đi giữa đêm khi có lệnh từ bệnh viện. Cô không tin rằng người từng sấp ngửa chạy đi tìm phân ngựa bạch cứu mạng mình năm xưa lại có thể bỏ rơi mình trong nhiều đêm như thế. Bây giờ, cô mới thấy lòng mình chật hẹp, nhỏ nhen biết bao.

Cô yêu Từ trong những năm đại học, cùng anh trải qua thanh xuân thật đẹp trong một căn nhà trọ nhỏ giữa thành phố đắt đỏ này. Một đám cưới đã được vẽ ra. Cô sẽ là vợ một bác sĩ phẫu thuật, là con dâu một thầy thuốc đông y danh tiếng. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

***

Bình An đã hồi phục sau ca mổ, chỉ còn lưu phòng đêm nay nữa, trưa mai xuất viện. Khuya, những đứa trẻ trong phòng đã chìm vào giấc ngủ say, cô lặng lẽ rời khỏi phòng, men theo thứ ánh sáng hắt ra từ hành lang đối diện.

Bóng Từ xuyên qua khung cửa sổ. Đã bao năm rồi, cô vẫn chưa thể nào quên cái dáng ngồi cô độc trong đêm của anh, giữa đống tài liệu ngồn ngộn của nghề. Bao năm rồi, cô vẫn muốn khóc khi nhớ về sự trống vắng mỗi khi anh lao mình ra khỏi căn nhà nhỏ của hai người, nơi hứa hẹn sẽ là tổ ấm.

Cô đứng ở hành lang, chia tay Từ trong thinh lặng. Anh lại tròng vội chiếc blouse trắng, lao về khu phòng mổ, không biết có đôi mắt đang dõi theo những bước chân như bay của mình.

Cô quay về phòng Bình An. Cho đến bây giờ, cô mới hiểu tại sao trước đây Từ dứt khoát lao đi giữa đêm.

Cô lại nắm bàn tay bé nhỏ của con trong tay mình. Nếu sau này có phải chạy thêm một lần nào nữa, cô cũng sẽ không còn sợ hãi. Vì những cuộc chạy bao giờ cũng vun vút về phía ánh sáng không bao giờ tắt.

Đèn khuya - Truyện ngắn dự thi của Trần Huyền Trang (TP.HCM) - Ảnh 2.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.