Đêm nay, bay cao tiếng hát hòa bình

24/07/2022 09:30 GMT+7

20 giờ tối nay, chương trình Khát vọng hòa bình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, Báo Thanh Niên tổ chức, sẽ diễn ra tại quảng trường TX.Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Tên và địa điểm tổ chức chương trình đã gợi lên trong tôi bao cảm xúc khó tả.

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Khi hoàn thành kịch bản phim Mùi cỏ cháy, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã gọi điện cho tôi, nói: “Em xin phép anh đưa một đoạn thơ của anh vào phim này”. Tôi rất vui và cảm động, đồng ý ngay và động viên Cầm làm bộ phim thật hay, thật xúc động. Hoàng Nhuận Cầm biên kịch, Hữu Mười đạo diễn đã hoàn thành xuất sắc bộ phim này với kinh phí rất ít ỏi, chỉ 5,2 tỉ đồng vào năm 2011.

Chương trình Khát vọng hòa bình truyền tải thông điệp sâu sắc về sự tri ân

Độc Lập

Điều đầu tiên khiến bộ phim thành công là tác giả kịch bản - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vốn là người lính trận. Anh là một trong hàng vạn chiến sĩ từ giảng đường đại học đã nhập ngũ và tham gia cuộc chiến dữ dội nhất 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, nên nhân vật và tiếng nói của anh đã thuyết phục tất cả mọi người xem phim này. Một nhân vật chính trong phim Mùi cỏ cháy là nguyên mẫu từ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - tác giả nhật ký Mãi mãi tuổi 20 nổi tiếng, người đã hy sinh ngay trong những cuộc chiến đấu bên bờ sông Thạch Hãn. Tôi xin dẫn ra đây 4 câu thơ bất tử của cựu binh Thành cổ - nhà thơ Lê Bá Dương, 4 câu thơ đã được khắc trên đá bên bờ sông Thạch Hãn (tiếc là “quên” ghi tên tác giả và có vài chữ khắc không đúng).

Đây là nguyên bản bài thơ của tác giả Lê Bá Dương:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Trong 81 ngày đêm lịch sử ấy, chúng ta đã mất những chàng trai tuổi 20, những người con ưu tú nhất của đất nước này. Nên nhớ, vào cuối năm 1971, hàng vạn sinh viên đại học miền Bắc đã được kêu gọi tình nguyện nhập ngũ, và hầu như tất cả họ đã tham gia “81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị”, không ít người đã mãi mãi chẳng trở về. “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” không phải là một câu thơ, mà là một ghi khắc bằng máu và nước mắt.

“chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?”

(trích đoạn thơ của Thanh Thảo trong phim Mùi cỏ cháy)

Chiến tranh là như vậy, nên không ai có khát vọng hòa bình sâu sắc và tha thiết hơn những người lính tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị, ở khắp các chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó. Tôi xin trích lại đoạn thơ của cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong phim Mùi cỏ cháy để chúng ta cảm xúc hơn về “81 ngày đêm Thành cổ” đã đi vào lịch sử ấy:

“Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn”

Hình ảnh tổng duyệt chương trình Khát vọng hòa bình tối 23.7

độc lập

Cháy bỏng khát vọng hòa bình

Những người lính tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị may mắn còn sống đều thấm thía sự “sống sót” của mình, và mùi cỏ cháy trên Thành cổ với họ là cái mùi không bao giờ quên được. Khi tôi nghe một bà mẹ VN anh hùng ở Quảng Nam trả lời câu hỏi: “Sao mẹ không giữ anh con trai còn lại duy nhất của mẹ?”. Bà mẹ đã trả lời: “Giữ được con thì mất nước”. Những dân tộc nào đã phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mình, khi nghe câu trả lời này của một người mẹ VN, đều phải ngả mũ cúi chào. Một dân tộc có những bà mẹ như thế thì không bao giờ mất nước. Nhưng cái giá phải trả để bảo vệ được Tổ quốc mình thì không sao đong đếm được.

Người dân Quảng Trị mong muốn lan tỏa thông điệp hòa bình đến thế hệ trẻ

Quảng Trị với Thành cổ, với dòng sông Thạch Hãn là nơi ghi dấu nhiều đau thương nhất trong chiến tranh, đặc biệt là trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Khi người lính Nguyễn Văn Thạc, nguyên sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong bức thư gửi người bạn gái của mình đã viết: “Hẹn đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 sẽ trả lời cho bạn câu hỏi, hạnh phúc là gì?”. Câu này anh Thạc viết 2 lần. Và không ai giải thích được tại sao anh lại biết được ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày toàn thắng?

Truyền tải thông điệp sâu sắc nhất về sự tri ân

Ảnh

ngọc Thắng

Chương trình Khát vọng hòa bình được đầu tư hết sức bài bản với mong muốn làm sao truyền tải đến thanh niên VN những thông điệp sâu sắc nhất về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7. Qua xem sơ duyệt và tổng duyệt, có thể nói việc kết hợp giữa nội dung và hình thức hết sức hài hòa. Chúng ta lấy được cảnh ngay bờ sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, đây là bối cảnh hết sức “đắt giá” trong nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn rằng qua sự đầu tư về kỹ thuật, công nghệ kết hợp với nội dung phong phú, chương trình sẽ gửi đến quý khán giả là thanh niên và nhân dân cả nước một Khát vọng hòa bình đặc sắc và ý nghĩa. Thanh niên VN mãi mãi ghi nhớ công ơn của bao thế hệ thanh niên hy sinh tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời mình dành trọn cho Tổ quốc thân yêu.

Năm nay là dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn giữ vững truyền thống uống nước nhớ nguồn, tuyên truyền cho các thế hệ trẻ về lịch sử truyền thống dân tộc. Hằng năm, vào tháng 7, Đoàn Thanh niên tổ chức đồng loạt các hoạt động Thắp nến tri ân để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Qua đó, Đoàn Thanh niên cũng xem đó là bài học giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng cho thanh niên VN.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN

Hoàng Sơn (ghi)

Đó là điều kỳ lạ nhất trong chiến tranh, nhất là cuộc chiến đến tận cùng khốc liệt và chết chóc như cuộc chiến ở Thành cổ, nhưng nó cũng nói lên khát vọng hòa bình cháy bỏng trong lòng một người lính vốn là sinh viên khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chỉ vì khát mong ngày chiến thắng, ngày trở về trong hòa bình mà điều tiên tri kỳ diệu đã xảy ra.

Từ lời hứa của Nguyễn Văn Thạc rằng ngày 30.4.1975 sẽ trả lời cho bạn gái câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, tôi chợt nhớ đến một người lính nguyên sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nhập ngũ vào tháng 9.1971. Do là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa, anh được sung vào trung đoàn tên lửa, và đã tham gia cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị. Có một lần sau hòa bình đã lâu, tôi lên Buôn Ma Thuột và anh lính tên lửa này, sau chiến tranh làm cán bộ Bưu điện tỉnh Đắk Lắk, đã hay tin tìm đến thăm tôi. Anh gặp tôi chỉ để đọc cho tôi nghe bài thơ Thử nói về hạnh phúc của tôi viết vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 tại chiến trường Nam bộ. Bài thơ sau khi gửi ra Bắc đã tới tay những người lính sắp ra trận và được họ chép tay, chuyền tay nhau đọc. Khi người lính tên lửa đọc thuộc lòng cho tôi là tác giả nghe bài thơ dài tới hơn 120 câu thơ này, tôi đã vô cùng kinh ngạc và xúc động. Sau đó anh nói khi chép tay bài thơ này ở đất Bắc, anh đã mang nó vào chiến trường Quảng Trị và thuộc lòng nó, coi đó là một người bạn tâm tình của mình:

“mảnh đất hôm nay bè bạn chúng tôi nằm

nơi máu đổ phải sống bằng thực chất

không ai nỡ lo vun vén riêng mình

khi mộ bạn chính bàn tay anh đắp

nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước

thử lòng ta chung thủy vô tư

nơi vỡ vụn dưới chân bao mảng đêm hèn nhát

những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người”

(Thử nói về hạnh phúc)

Đó là gương mặt những người lính bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mà lúc viết bài thơ này, tôi chưa từng biết họ.

“Quảng Trị là mảnh đất hết sức đau thương trong 2 cuộc chiến tranh, đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sự hy sinh mất mát ở đây vô cùng to lớn, không chỉ là sự hy sinh của Quảng Trị mà của đồng bào cả nước. Chính từ sự hy sinh đó, hơn ai hết, người dân Quảng Trị, những người đã từng chịu nhiều hy sinh mất mát, đều thấy giá trị của hòa bình. Chúng ta đổ rất nhiều máu xương của bao thế hệ để có nền hòa bình như hôm nay. Khi trên thế giới vẫn có nơi này nơi kia xung đột, thì hòa bình vẫn luôn được đặt ra không chỉ ở tầm quốc gia mà cả toàn cầu, cả nhân loại”, một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã xúc động phát biểu như vậy.

Và trong cuộc tưởng niệm ở tầm quốc gia hôm nay, chúng ta một lần nữa xin nhớ lại những liệt sĩ đã bỏ mình trên dòng sông Thạch Hãn, bỏ mình trong Thành cổ Quảng Trị mà mỗi thước đất ở đây đều phải nhận ít nhất một quả pháo hay bom.

Người VN chúng ta, nhất là người trẻ, là những người yêu hòa bình nhất, vì họ luôn có tương lai trước mặt. “Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” Đó cũng là một câu hỏi mà những người trẻ yêu nước VN sẵn sàng trả lời.

Như cha anh họ đã từng trả lời trên mảnh đất Quảng Trị vào năm 1972.

Ý KIẾN

Khát vọng hòa bình trong tim người trẻ Quảng Trị

Ảnh

NVCC

“Tôi rất mong muốn tinh thần và khát vọng hòa bình của thế hệ trẻ sẽ được thể hiện bằng những công nghệ hiện đại nhất, kết hợp với cái tình trong những bài ca, điệu múa, để với những cách rất “khác”, ta vẫn thấy được một điều rất “quen”: Khát vọng hòa bình luôn đậm trong trái tim của những người con đất Việt”.

Bí thư Thành đoàn Đông Hà Cao Hải Vân

Ảnh

Nguyễn Phúc

“Tôi muốn được thấy chương trình làm toát lên rằng hòa bình không chỉ ở trong di tích, trong tâm khảm của những người lính năm xưa, những cựu chiến binh thả hoa trên sông cho các đồng đội của mình mà còn ở trong hành động của thế hệ trẻ, những người ở vùng đất ấy, tiếp nối thế hệ cha ông xây dựng đất nước mạnh về kinh tế, giàu về văn hóa, vững vàng hội nhập với thế giới”.

Kiến trúc sư Hồ Huy

Ảnh

NVCC

“Những nơi từng xảy ra những bi thương chiến tranh thì tiếng vọng sẽ lớn hơn, vậy nên thông điệp hòa bình từ Quảng Trị, theo tôi, sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến quốc tế”.

Nhà văn Hoàng Công Danh

Nguyễn Phúc (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.