Dell dự đoán xu hướng làm việc từ xa trong năm 2021

09/04/2021 14:16 GMT+7

Công nghệ 5G giúp tối ưu xu hướng làm việc tại nhà dần phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Thế hệ các sản phẩm máy tính xách tay, điện thoại và thiết bị đeo thông minh mới sẽ hỗ trợ Việt Nam thích nghi nhanh chóng.

Sự thay đổi trong phương pháp làm việc dẫn đến một xu hướng văn hóa mới của nhân viên: BYOD (bring your own device - mang thiết bị cá nhân đi làm). Nếu chúng ta chỉ xét về điện thoại di động, xu hướng BYOD có vẻ chính xác, nhưng lại chưa chuẩn xác với máy tính xách tay (laptop) và máy trạm làm việc (workstation).
Gần đây, Dell Technologies công bố nghiên cứu về mức độ sẵn sàng của nhân viên tại châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ) khi phải làm việc từ xa trong dài hạn. Khảo sát cho thấy cứ 10 nhân viên thì có 8 người (chiếm 81%) tại APJ cho rằng họ đã sẵn sàng để làm việc từ xa dài hạn nhưng đồng thời cũng thể hiện một số quan ngại khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xóa nhòa.
Trong quá trình khảo sát khi giãn cách xã hội diễn ra, các nhân viên được khảo sát chỉ ra vấn đề không ổn định về mạng, bao gồm hạn chế về băng thông (31%), đây là thử thách lớn nhất về công nghệ mà họ gặp phải. Họ cũng gặp khó trong việc truy xuất nguồn tài nguyên nội bộ của công ty (29%) và phải sử dụng trang thiết bị cá nhân để phục vụ cho công việc (28%).
Từ thực tế trên, các nhân viên chia sẻ họ muốn chủ doanh nghiệp cung cấp các dụng cụ hoặc trang thiết bị làm việc (39%) và cần đảm bảo họ có thể truy xuất vào nguồn tài nguyên nội bộ của doanh nghiệp (36%).
Về vấn đề hỗ trợ nguồn nhân lực, các nhân viên được khảo sát ở khu vực APJ chỉ ra rằng thiếu giao tiếp trực tiếp chính là thử thách hàng đầu (41%). Những vấn đề nổi cộm khác còn có các buổi đào tạo và phát triển, bao gồm hướng dẫn sử dụng các công cụ ảo (39%), thiếu các buổi hướng dẫn làm việc từ xa cũng như các chính sách và hướng dẫn không còn phù hợp khi làm việc từ xa (38%).
Để có thể triển khai làm việc từ xa hiệu quả trong dài hạn, các nhân viên được khảo sát mong muốn có các buổi đào tạo và phát triển, bao gồm hướng dẫn sử dụng các công cụ ảo (48%), đào tạo những phương pháp làm việc từ xa hiệu quả (47%) và các sáng kiến liên kết đội nhóm (46%).
Vì vậy trong thời gian tới, các giải pháp an ninh mạng dành cho doanh nghiệp (thậm chí là tại nhà) sẽ tăng cao hơn, mạng Wi-Fi tại gia không thể nào mang tính bảo mật cao như tại văn phòng, điều này càng đúng hơn đối với những doanh nghiệp lớn.
Các tổ chức tại Việt Nam cần tìm một hướng đi dung hòa được hai yếu tố bảo mật và linh hoạt thông qua các giải pháp đám mây kết hợp để đáp ứng nhu cầu làm việc của lực lượng lao động, mở cửa cho dịch vụ đám mây cá nhân, công cộng và đám mây biên. Điều này đòi hỏi sự cải tiến trong quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ phân tán với khả năng phân tích dữ liệu tại điểm biên trong thời gian thực.
Sự hợp nhất của những người sử dụng đám mây lai (hybrid) và liên kết (interconnect) khắc họa một kỷ nguyên mới trong chuyển đổi số. Con người sẽ ứng dụng công nghệ vào cuộc sống và công việc, tạo ra một môi trường làm việc kết hợp, năng động với sự hỗ trợ từ những chiếc máy tính cá nhân (PC) thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, và các kết nối cải tiến, từ đó cải thiện cách người Việt tương tác với các thiết bị của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.