TNO

Defense News: Việt Nam quan tâm máy bay F-16, P-3 Orion

27/05/2016 16:36 GMT+7

(Tin Nóng) Trang tin Defense News ngày 25.5 đưa tin rằng Việt Nam đang quan tâm loại tiêm kích F-16 và máy bay tuần biển kiêm săn ngầm P-3 Orion của Mỹ để nâng cao năng lực phòng thủ trên không và trên biển.

(Tin Nóng) Trang tin Defense News ngày 25.5 đưa tin rằng Việt Nam đang quan tâm loại tiêm kích F-16 và máy bay tuần biển kiêm săn ngầm P-3 Orion của Mỹ để nâng cao năng lực phòng thủ trên không và trên biển.

Một tiêm kích F-16 của Không quân Bồ Đào Nha - Ảnh: EPA

Dẫn nguồn từ nguồn tin công nghiệp quốc phòng Mỹ, Defense News cho biết Việt Nam tìm kiếm sự cải thiện khả năng phòng không và an ninh biển bằng việc chọn mua tiêm kích F-16 từ chương trình vũ khí thặng dư của Lầu Năm Góc (EDA) và máy bay tuần tra biển P-3C Orion tân trang, có vũ trang ngư lôi.

Việt Nam được cho cũng quan tâm đến các loại máy bay không người lái (UAV) phục vụ giám sát, thu thập thông tin trên biển.

Trước đây ngư lôi bị xếp vào dạng cấm bán cho Việt Nam, nhưng nay qua việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam muốn có loại P-3C như loại Mỹ bán cho Đài Loan. Còn loại F-16 thì Việt Nam muốn Mỹ cung cấp tương đương loại bán cho Indonesia, nguồn tin trên cho biết.

Còn trang tin NPR ngày 24.5 dẫn lời ông Ben Moores, chuyên gia quốc phòng của hãng tư vấn IHS Janes thì cho rằng Việt Nam còn quan tâm nhiều đến các loại khí tài khác, như xe tăng, xe thiết giáp chở quân, trực thăng tấn công, trực thăng vận tải, radar tầm xa, máy bay tuần biển…

Máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-3C Orion đang được Việt Nam quan tâm? - Ảnh: AFP

Nhưng theo ông Anthony Nelson thuộc Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN nhận xét việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận không có nghĩa là Việt Nam nhanh chóng mua sắm vũ khí Mỹ. Theo ông, các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ chỉ nên quan tâm chào hàng lĩnh vực công nghệ quân sự phục vụ an ninh biển, chẳng hạn máy bay P-3C Orion (của Lockheed Martin) phục vụ việc chỉ huy điều hành hoạt động tàu ngầm hay radar cảnh giới biển của Raytheon.

Ông Greg Poling, chuyên gia châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cũng thống nhất rằng việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam hiện tại chỉ mang tính biểu tượng của việc bình thường hoá quan hệ mà thôi. Ông nói Việt Nam còn quan tâm thiết bị quân sự của các nước khác, như tên lửa diệt hạm của Ấn Độ, radar từ Israel, tàu tuần duyên của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bảo dưỡng máy bay F-16 - Ảnh: Không lực Mỹ

Theo các nhà phân tích, phải thêm vài năm nữa vũ khí Mỹ mới có thể có mặt ở Việt Nam. Hai năm trước, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có một hợp đồng mua sắm quan trọng nào được ký kết.

Giáo sư Carl Thayer (Úc) cũng phát biểu với Defense News rằng Việt Nam không đủ ngân sách quốc phòng để mua sắm vũ khí nhiều và nặng tiền từ Mỹ. Ngoài ra Việt Nam sẽ gặp các rào cản tương tự các nước phải đối mặt khi mua vũ khí Mỹ, trong đó có các vấn đề về nhân quyền.

F-16 là tiêm kích 1 động cơ, 1 chỗ ngồi (F-16D là 2 chỗ), do Lockheed Martin chế tạo cuối những năm 1970, đến nay đã có các đời F-16A/B, C/D và mới nhất là F-16V.
Tiêm kích F-16V, loại nâng cấp của F-16 Mỹ đang giới thiệu với Hàn Quốc, Singapore - Ảnh: Không lực Mỹ

Loại tiêm kích này có tốc độ tối đa 2.400 km/giờ, trần bay 15 km, mang được 2 quả bom loại 1 tấn, 6 tên lửa (không đối không, không đối đất, diệt hạm), 2 bình nhiên liệu phụ loại 1,2 tấn, có 1 pháo 20 mm (500 viên đạn). Tầm hoạt động tối đa của F-16 là 3.200 km.

Phần lớn các nước đồng minh của Mỹ dùng F-16. Ở trong khối ASEAN có 3 nước sử dụng F-16 là Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Xem F-16 của Mỹ hoạt động trong khuôn khổ cuộc tập trận chung Max Thunder lần 16 ở Hàn Quốc (tháng 4.2016):

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.