Đề xuất thí điểm thuốc lá làm nóng trong 5 năm

11/07/2023 15:00 GMT+7

Trong hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" vừa qua, đại diện Bộ Công thương đề xuất thí điểm thuốc lá làm nóng trong 5 năm thay vì 2 năm như trước đây. Đây là đề xuất tiệm cận nhất với quan điểm thận trọng của Bộ Y tế.

Đồng thời đại diện Bộ này cho biết, đối với thuốc lá điện tử sẽ theo đề nghị của Bộ Y tế là tiếp tục nghiên cứu trước khi quyết định chính sách.

Được biết, hội thảo trên diễn ra ngày 5.7 tại Hà Nội, cập nhật những trao đổi mới nhất giữa các bộ ngành liên quan về chính sách kiểm soát hiệu quả các sản phẩm thuốc lá mới (TLM), bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) trên cơ sở pháp lý, nhằm ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, phù hợp với chủ trương của Chính phủ sau Quyết định số 568/QĐ-TTg.

Bộ Công thương đề nghị thí điểm thuốc lá làm nóng trong 5 năm - Ảnh 1.

Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam chủ trì hội thảo

Vì sao phải thí điểm khi TLLN đã phù hợp với luật hiện hành?

Đánh giá về đề xuất của Bộ Công thương, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, không cần thiết phải thí điểm vì các sản phẩm TLM đã phù hợp với luật hiện hành. Theo ông Hải, Điều 2 Khoản 1 định nghĩa thuốc lá có "các dạng khác", là đã đủ cơ sở để quản lý bằng cách sửa Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Ông Hải giải thích thêm, "các dạng khác" trong thời điểm này là TLLN, TLĐT… nhưng tương lai sẽ còn có thêm các sản phẩm TLM khác nữa.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, luật hiện nay đã có sẵn, áp dụng được cho các sản phẩm thuốc lá trong nước lẫn nhập khẩu.

Giải thích cho đề xuất thí điểm kinh doanh trong 5 năm đối với TLLN của Bộ Công thương, ông Trần Thành Trung - đại diện Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp cho biết: Trong năm 2022 và 2023, Bộ Công thương và Bộ Y tế đã tiến hành 2 cuộc họp chính thức để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Mặc dù có một số khác biệt, nhưng cả hai Bộ đều hướng tới thỏa thuận điều chỉnh chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư và các yêu cầu khác để đảm bảo tuân thủ chiến lược quốc gia về giảm tác hại của thuốc lá, an toàn cho người sử dụng, cân bằng quyền lợi của các bên liên quan và các thực hành, hướng dẫn quốc tế.

Ông Trung cũng cung cấp thêm thông tin: "Trong giai đoạn thí điểm này, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá tác động của sản phẩm này trước khi đề xuất với Chính phủ kế hoạch quản lý tiếp theo cho TLLN".

Mặt khác, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận, thậm chí nếu chưa có luật quản lý hay chưa có chế độ thí điểm TLM thì vẫn cần phải có ngay một chính sách để kiểm tra, giám sát TLM thay vì bỏ trống như hiện tại.

Dựng hàng rào quản lý bằng chính sách

Ông Trần Thành Trung khẳng định, TLLN phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Do đó, việc thí điểm kinh doanh sản phẩm này sẽ giúp tránh thất thu thuế, đảm bảo sức khỏe người dân khi họ được tiếp cận những sản phẩm chính ngạch, có cơ quan chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề. Tiếp theo là có biện pháp xử lý đối với hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp thuốc lá có thể kinh doanh các sản phẩm này, và lợi nhuận mang về cũng sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Bộ Công thương đề nghị thí điểm thuốc lá làm nóng trong 5 năm - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo

Trong khi đó, ông Nhưỡng cho rằng, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều có hại, do đó cần có chính sách kiểm soát mặt hàng này. Theo đó, ông đề nghị 4 chính sách bao gồm: chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng; chính sách bảo vệ giới trẻ, phòng chống thanh thiếu niên tiếp cận các sản phẩm thuốc lá; chính sách quản lý sản phẩm hàng hóa, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường; chính sách đối ngoại với các cam kết về nhân quyền và môi trường kinh tế phù hợp với các quy định quốc tế mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện.

Đại diện cho quyền lợi người dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam nhấn mạnh, không nên nhập nhằng giữa các sản phẩm TLM mà trì hoãn việc đưa ra quyết định quản lý. Thay vào đó, cần phân loại rõ góc độ kỹ thuật của từng loại sản phẩm và hệ thống pháp lý liên quan. "Một "thế hệ nghiện mới" sẽ có nguy cơ xuất hiện nếu các cơ quan quản lý vẫn không mạnh dạn xây dựng hàng rào bảo vệ cộng đồng, người dân bằng hệ thống pháp luật", bà Liên kết luận.

Mặt khác, đại đa số các cơ quan ban ngành cũng cho rằng nếu không sớm quản lý sẽ tiếp tay cho cái xấu đang xảy ra. Cụ thể, ông Nhưỡng đánh giá: "Rõ ràng những hệ lụy xấu đã xảy ra trong thời gian qua là vì chúng ta không hành động, không kiểm soát. Như vậy chúng ta đã tạo điều kiện tiếp tay cho buôn lậu, đầu độc môi trường, giới trẻ, xã hội, làm lãng phí tài nguyên, tiền của của đất nước, thất thoát nguồn thu của ngân sách".

Đồng tình với ông Nhưỡng, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp thẳng thắn kêu gọi: "Các cơ quan có liên quan cần phải ngồi lại với nhau thảo luận, thống nhất rồi trình phương án lên. Không làm, không trình, không báo cáo để dẫn tới hệ lụy xã hội cũng là lỗi".

Đối với quan ngại về việc một số đối tượng có thể trộn ma túy vào TLM để dụ dỗ giới trẻ khi TLM được hợp pháp hóa, ông Hải phản biện, không nên lẫn lộn vấn đề chất cấm, ma túy trá hình trong vỏ bọc TLĐT với chính sách quản lý TLM. "đây chúng ta nói về ngành nghề kinh doanh có điều kiện - đó là thuốc lá, còn ma tuý thì pháp luật đã cấm tiệt, không cần phải nói thêm", ông Hải làm rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.