Đề xuất thí điểm chính quyền đô thị tại Đà Nẵng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/04/2020 14:51 GMT+7

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị là một trong 4 nhóm chính sách đặc thù mà thành phố Đà Nẵng vừa đề xuất, đề nghị được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 sắp tới.

Trong tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24.4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng: xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Theo mô hình này, thành phố Đà Nẵng sẽ thí điểm không tổ chức HĐND quận bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND quận chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. UBND quận nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ thí điểm việc không tổ chức HĐND phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.
Tuy nhiên, mô hình thí điểm chỉ áp dụng ở các quận, phường đô thị. Đối với huyện Hòa Vang và các xã thuộc huyện này, vẫn tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND huyện, xã.
Do không còn HĐND quận và phường, nên việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều đồng, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ các chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường sẽ do chủ tịch UBND thành phố và chủ tịch UBND quận thực hiện.

Chỉ nên thí điểm ở cấp phường

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc, vì việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, trình bày báo cáo thẩm tra

Ảnh Gia Hân

Có ý kiến đề nghị chỉ thí điểm chính quyền đô thị ở phường (tương tự như đối với Hà Nội) để bảo đảm tính tương quan và thống nhất trong mô hình chính quyền đô thị ở thành phố trực thuộc T.Ư hoặc ở tỉnh.
Ông Tùng cũng cho biết, cùng tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rà soát về chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND quận, phường trong các quy định hiện hành để bảo đảm chuyển giao nhiệm vụ của các cơ quan này cho các cơ quan khác một cách đầy đủ, hợp lý, tránh bỏ sót hoặc chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết đã xác định UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng thì cần nghiên cứu, quy định thống nhất trong một điều luật về các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận (phường) và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận (phường), qua đó thể hiện rõ được trách nhiệm của người đứng đầu (chủ tịch UBND) trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của UBND.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét, sắp xếp các cơ quan thuộc hệ thống chính trị được tổ chức tại quận, phường nơi thực hiện thí điểm và cần có những quy định cụ thể về mối quan hệ công tác và việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền ở quận và phường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 9 vào tháng 5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.