Đề xuất thêm đường thoát nước chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất

26/03/2021 15:07 GMT+7

Tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) phập phồng lo ngập vào mùa mưa đã kéo dài suốt nhiều năm, nhưng đến nay các dự án thoát nước cấp bách vẫn chưa thể triển khai.

Sáng nay (26.3), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Trong đó, việc xây dựng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và đồng bộ hạ tầng giao thông, thoát nước khu vực sân bay được bàn bạc khá chi tiết.
Báo cáo về tiến độ thực hiện dự án xây dựng nhà ga T3, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thông tin ngay sau khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 từ tháng 5.2020, ACV đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện các thủ tục đấu thầu, thiết kế, kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng, vướng mắc lớn nhất là chuyển giao mặt bằng để thi công.
Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép Bộ này được thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,5 ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý (thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng nhà ga T3. Chỉ chờ Thủ tướng "gật đầu" cho phép Bộ Quốc phòng giao đất là dự án có thể khởi công ngay vào tháng 10 tới, hoàn tất sau 24 tháng.
Thứ trưởng Bộ GTVT và Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình thống nhất quan điểm ngoài việc nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho nhà ga T3, cần nhanh chóng triển khai dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đồng bộ và đảm bảo hệ thống thoát nước cho khu vực sân bay.
Đại diện Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam – TEDI South cho biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay có 3 hướng thoát nước chính: thoát ra kênh Hy Vọng, chảy ra kênh Tham Lương; thoát ra mương A41, chảy ngầm dưới đường Út Tịch thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hướng thoát ra mương A75 rồi chảy ra mương Nhật Bản. Hiện cả 3 hướng thoát nước đều đang “khốn khổ” vì rác bủa vây, lấn chiếm lòng kênh, mương, gây tắc nghẽn, ngập úng.
Đáng chú ý, dự án cải tạo kênh Hy Vọng đang được thành phố xúc tiến triển khai nhưng sau khi hoàn thiện, hướng thoát nước của cả nhà ga T3 và đường Trần Quốc Hoàn đều đổ về phía này. Cộng với việc bê tông hóa khu vực bên trong sân bay ngày càng nhiều nên khả năng cao sau khi cải tạo, kênh Hy Vọng vẫn nguy cơ bị ùn ứ, ngập cục bộ.
Để giảm áp lực nước về kênh Hy Vọng, TEDI South đề xuất bổ sung tuyến cống hộp kích cỡ 2,5 m x 2,0 m, chiều dài 1,350 km chạy thẳng từ sân bay ra kênh Tham Lương để thoát nước cho sân bay. Tuyến cống mới sẽ nằm dưới làn đường thô sơ của đường Trường Chinh, song song với tuyến cống thoát nước hiện hữu.
"Giải pháp này sẽ góp phần giảm ngập cho sân bay và đã được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng đồng thuận. Khó khăn lớn nhất là hiện dự án chưa có trong quy hoạch, muốn triển khai cần bổ sung điều chỉnh quy hoạch thoát nước của thành phố" - đại diện TEDI South kiến nghị.
Bàn về đề xuất này, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đánh giá hiện tình trạng giao thông trên tuyến đường Trường Chinh đang rất phức tạp, sắp tới cũng "vướng" thi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Nếu triển khai thi công thêm đường thoát nước có thể kéo theo ùn tắc, ảnh hưởng đời sống của người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Tuấn Anh giao đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện đề án, đảm bảo giao thông trong quá trình thi công hoặc có thêm giải pháp đầu tư trạm bơm cưỡng bức trong sân bay, đổ ra hướng kênh Hy Vọng, sau đó báo cáo các đơn vị. Song song, UBND TP.HCM đẩy nhanh thủ tục, sớm triển khai dự án cải tạo kênh Hy Vọng và kênh A41, đảm bảo khả năng thoát nước cho sân bay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.