Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt, bia, rượu, thuốc lá...

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/02/2023 15:25 GMT+7

Bộ Tài chính lấy ý kiến xây dựng dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi theo hướng nghiên cứu tăng thuế đối với những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường, dịch vụ hạn chế sử dụng.

Tính thuế TTĐB đối với nước ngọt, thức uống đại mạch, không cồn

Bộ Tài chính đề nghị áp thuế TTĐB đối với mặt hàng đồ uống có đường, đề xuất này đã được đề cập từ khoảng 10 năm trước nhưng không được đồng thuận. Theo Bộ Tài chính, lượng tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ lít và 1,5 tỉ lít. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000 - 2010 và 2010 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn. Chính vì vậy cần áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng này.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt, bia, rượu, thuốc lá mới.. - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB bia, rượu

CHÍ NHÂN

Đối với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, Bộ Tài chính cho hay thực tế sản phẩm thức uống không cồn được sản xuất theo quy trình sản xuất và nguyên liệu sản xuất tương tự như bia (sau quy trình sản xuất lên men thì tách cồn khỏi sản phẩm và bổ sung hương tự nhiên). Sản phẩm không có cồn nên không được xác định là bia theo luật Phòng chống tác hại của rượu bia, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về nước giải khát nên doanh nghiệp công bố tên gọi và tiêu chuẩn sản phẩm là thức uống đại mạch, do vậy không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Hiện tại, một số nước như Thái Lan, Ấn Độ đang tiến hành nghiên cứu áp thuế TTĐB trong khoảng từ 14% đến 22% đối với loại bia không có nồng độ cồn. Theo Bộ Tài chính, sản phẩm thức uống đại mạch có quy trình sản xuất và nguyên liệu giống bia, hình thức bề ngoài sản phẩm giống bia, có mùi vị đặc trưng như bia, chỉ khác tên gọi, giá xấp xỉ như nhau nên có thể coi sản phẩm tương tự bia không cồn. Do vậy cần thiết phải có quy định rõ để định hướng tiêu dùng đối với mặt hàng này.

Mặt dù rượu, bia đã tăng thuế TTĐB theo lộ trình nhưng tình hình tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam vẫn có xu hướng cao và gia tăng. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố ảnh hưởng sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong xã hội. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, thứ 3 châu Á. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015, rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, băng 1,02 lần năm 2015. Tại Việt Nam, hiện tỷ lệ thuế chiếm 30% trên giá bán lẻ trong khi các nước khác lên 40 - 85%. Chính vì vậy, để đảm bảo không gia tăng việc sử dụng bia rượu, cần thiết điều chỉnh thuế TTĐB trong thời gian tới.

Đưa thuốc lá điện tử vào diện chịu thuế TTĐB

Trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha sử dụng toàn bộ, một phần hoặc không sử dụng nguyên liệu từ cây thuốc lá, mặc dù những sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu kinh doanh tại Việt Nam. Theo WHO, Bộ Y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống. Hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha đều là hình thức tiêu thụ thuốc lá.

Do vậy, điều 6 Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), WHO đã khuyến nghị các quốc gia cấm thuốc lá điện tử và có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Khuyến nghị ấp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng thuốc lá thông thường để đảm bảo tăng giá bán và giảm nhu cầu sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trên thế giới hiện có 71 quốc gia áp dụng thuế TTĐB, 61 quốc gia áp dụng thuế TTĐB đối với thuốc lá làm nóng ngang bằng với thuốc lá truyền thống.

WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66 - 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 38,85% (theo WHO năm 2020 khi áp dụng thuế suất 70%), trong khi các nước khác tỷ lệ này ở mức cao như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 60%... Mặc dù thuế suất TTĐB đối với thuốc lá vẫn tăng theo lộ trình nhưng tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam vẫn cao nên cần được kiểm soát và tăng thuế trong thời gian tới

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị bổ sung đánh thuế TTĐB đối với trò chơi điện tử (game online). Đây là loại hình có doanh thu cao, lợi nhuận cao so với những ngành nghề khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.