Đề xuất nhiều nội dung mới trong phong trào thanh niên

Vũ Thơ
Vũ Thơ
29/06/2022 05:54 GMT+7

Thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 11 , khóa XI, các đại biểu đã đề xuất nhiều nội dung mới trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Ngày 28.6, tại Hà Nam, Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đoàn lần thứ 11, khóa XI đã được khai mạc với sự chủ trì của anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn. Dự hội nghị có các Bí thư T.Ư Đoàn: Nguyễn Ngọc Lương, Nguyễn Tường Lâm, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phạm Duy Trang, Ngô Văn Cương. Đại diện tỉnh Hà Nam có bà Đinh Thị Lụa, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy.

Anh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Bảo Anh

Đại hội phải thực sự trẻ trung

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết hội nghị lần này bàn thảo, cho ý kiến về 8 nội dung hết sức quan trọng tiến tới Đại hội (ĐH) Đoàn toàn quốc lần thứ XII, trong đó có dự thảo Báo cáo chính trị ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Dự thảo lần này đã được Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức 13 hội nghị xin ý kiến góp ý và đây là dự thảo lần thứ 4. So với dự thảo lần 2 trình Hội nghị BCH lần thứ 10, dự thảo lần 4 cơ bản đã thay đổi rất nhiều về nội hàm, kết cấu, hệ thống chỉ tiêu.

Theo anh Tuấn, dự kiến trong nhiệm kỳ ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII vẫn giữ nguyên 3 phong trào, 3 chương trình. Tuy nhiên, nội hàm của 3 phong trào, 3 chương trình sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn của thanh thiếu nhi và xu thế phát triển của xã hội. “Tình hình thực tế có nhiều thay đổi nên nội hàm của phong trào thanh niên phải thay đổi. Trong thời gian tới, việc đồng hành, chăm lo, hỗ trợ với thanh niên yếu thế như thế nào? Đồng hành và truyền khát vọng cho thanh niên tiên tiến ra sao để dẫn dắt nhóm thanh niên khác trong xã hội? Làm thế nào để nhóm thanh niên tiên tiến ngày càng nhiều hơn, nhóm thanh niên yếu thế ngày càng ít đi?”, anh Tuấn trăn trở.

Anh Tuấn cũng thông tin phong trào thanh niên cần bám sát Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XIII, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước. Anh Tuấn đề nghị, cần quan tâm, đầu tư chăm lo cho công tác Đội, phong trào thiếu nhi; phát triển Đảng trong đoàn viên ưu tú.

Về việc tổ chức ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII, anh Tuấn nhấn mạnh: “ĐH phải thực sự trẻ trung, phải thực sự là ngày hội lớn của thanh niên trong và ngoài nước; gọn gàng, vui tươi, khoa học nhưng đảm bảo nội dung theo yêu cầu của điều lệ. ĐH phải là ngày hội lớn của mọi tầng lớp thanh thiếu nhi, không riêng gì các đại biểu tham dự ĐH”. Cũng theo anh Tuấn, ĐH lần này sẽ triệt để ứng dụng chuyển đổi số để đổi mới phương thức tổ chức ĐH.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị

Tạo phong trào phù hợp với thanh niên

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý về những giải pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ mới để phù hợp với bối cảnh mới và thực tiễn đời sống thanh niên. Anh Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, cho rằng các phong trào cần chọn khâu đột phá để triển khai. “Giáo dục thanh niên cần xác định khâu đột phá là khơi dậy khát vọng, ý thức tự lập, tự cường. Phong trào sáng tạo nên chọn việc tiến công vào chuyển đổi số. Đặc biệt, việc tuyển chọn cán bộ Đoàn hiện vô cùng khó khăn, cần chọn công tác cán bộ là khâu đột phá”, anh Lương đề xuất.

Đồng hành và truyền khát vọng cho thanh niên tiên tiến ra sao để dẫn dắt nhóm thanh niên khác trong xã hội? Làm thế nào để nhóm thanh niên tiên tiến ngày càng nhiều hơn, nhóm thanh niên yếu thế ngày càng ít đi?

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Chị Hồ Hồng Nguyên, quyền Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, cũng cho rằng nhiệm kỳ tới cần đưa việc ứng dụng chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, cần đưa ra phong trào phù hợp với thanh niên. Chị Nguyên nói: “Trong 5 năm tới, các bạn thanh niên thế hệ gen Z sẽ thay đổi rất nhiều so với thế hệ trước. Cần cân nhắc đưa thêm các xu hướng lớn sẽ tác động sâu sắc đến các hoạt động của tổ chức Đoàn như: xu hướng về nghề nghiệp. Các bạn thanh niên tham gia hoạt động freelancer (làm việc tự do) sẽ nhiều hơn, xu hướng tìm các giá trị mang tính cá nhân, xu hướng về sự chuyển dịch, không thích ở cố định một nơi… Vì vậy, cần xác lập cơ cấu tổ chức Đoàn để tạo ra phong trào phù hợp với thanh niên”.

Đặc biệt, theo chị Nguyên, trong việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tổ chức Đoàn cần trang bị về đạo đức kinh doanh cho thanh niên, vì đây là vấn đề còn bỏ ngỏ trong thời gian qua. “Tổ chức Đoàn cần lưu tâm đến công tác này. Cần giáo dục cho thanh niên có đạo đức kinh doanh, sống tử tế và làm việc có ích cho xã hội”, chị Nguyên đề xuất.

Chị Phùng Thị Diệu Hương, Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng: “Báo cáo chính trị nên có nhận định đánh giá nhận thức, phẩm chất, đặc trưng thế hệ thanh niên giai đoạn tới, thay vì chỉ nhận định thế hệ sắp tới có nhiều nét mới. Từ đó, đặt ra nhu cầu của thanh niên giai đoạn tới cần gì và mong muốn thực hiện điều gì để phong trào sát với thực tiễn hơn”. Theo chị Hương, thanh niên hiện nay có nhu cầu hoạt động, học tập và làm việc trên không gian mạng rất lớn, vì vậy, phong trào Đoàn cần tiếp cận và hướng tới không gian mạng xã hội, để phù hợp với nhu cầu của thanh niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.