Đề xuất nhiều điểm mới về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ

07/05/2023 11:43 GMT+7

Thanh tra Chính phủ đề xuất đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra thành Cục Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

Bộ Tư pháp vừa đăng tải hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Nghị định do TTCP chủ trì soạn thảo.

Đề xuất nhiều điểm mới về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ đề xuất nhiều điểm mới liên quan đến cơ cấu tổ chức của cơ quan này

TUYẾN PHAN

Đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng

Theo tờ trình, TTCP đề xuất nhiều điểm mới liên quan đến cơ cấu tổ chức của cơ quan này. Trong đó, Cục Phòng, chống tham nhũng sẽ đổi tên thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để thống nhất với quy định tại luật Thanh tra năm 2022.

Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra sẽ chuyển đổi thành Cục Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. TTCP cho hay, thời gian qua, hoạt động của Vụ Giám sát, thẩm định và Xử lý sau thanh tra đã góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm của các thành viên đoàn thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các kết luận thanh tra. Tuy nhiên, do là đơn vị tham mưu, không có tư cách pháp lý độc lập nên hoạt động của vụ thiếu tính chủ động, gây khó khăn, hạn chế trong công tác tổ chức, thực hiện nhiệm vụ.

Việc chuyển đổi sang đơn vị cấp cục sẽ giúp tăng cường hiệu quả giám sát đối với hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; nâng cao hiệu quả thẩm định kết quả thanh tra, xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.

Đáng chú ý, TTCP đề xuất không tổ chức cấp phòng thuộc Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, nhằm thống nhất với quy định của Nghị định số 101/2020. Sau khi sắp xếp lại, TTCP sẽ xóa bỏ 11 phòng trong các vụ hiện nay.

Như vậy, TTCP vẫn giữ nguyên 19 đơn vị trực thuộc, gồm các vụ và cục nghiệp vụ như hiện hành, chỉ đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng và chuyển đổi Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra như đã nêu ở trên.

Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn

Về nhiệm vụ và quyền hạn, TTCP đề xuất cơ bản kế thừa quy định đang có hiệu lực, và bổ sung một số điểm mới để thống nhất với luật Tố cáo 2018, luật Phòng, chống tham nhũng 2018, luật Thanh tra 2022 cũng như các văn bản pháp luật liên quan.

Theo đó, TTCP có nhiệm vụ xây dựng định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng phê duyệt; xây dựng kế hoạch thanh tra của TTCP; hướng dẫn bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra; tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra.

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; thanh tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước khi được Thủ tướng giao; thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thanh tra vụ việc khác do Thủ tướng giao.

TTCP có quyền kiến nghị Thủ tướng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân thuộc quyền quản lý của Thủ tướng, của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Cùng đó là yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.