Đề xuất nâng định mức hỗ trợ người dân bảo vệ rừng

07/12/2023 16:04 GMT+7

Việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.

Phát triển giá trị đa dụng của rừng là một cách tiếp cận mới mà ngành lâm nghiệp đang triển khai.

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế của thế giới về phát huy các giá trị đa dụng của rừng, giảm thiểu khai thác giá trị trực tiếp, phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng như: dịch vụ lưu giữ và hấp thụ carbon rừng; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ rừng; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu quý dưới tán rừng…

Phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu - Ảnh 1.

Để khai thác giá trị đa dụng của rừng, việc khai thác các giá trị về du lịch sinh thái là hướng ưu tiên của ngành lâm nghiệp

ĐAN THANH

Nhờ thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên nên có thể khẳng định, hệ sinh thái rừng vẫn còn được bảo vệ tương đối nguyên vẹn trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia. Do vậy, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.

Điều này có thể thấy rất rõ qua việc thu dịch vụ môi trường rừng, hiện việc thu dịch vụ môi trường rừng đã đạt khoảng 3.700 tỉ đồng. Ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên - nơi có nhiều hệ thống thủy điện bậc thang, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho các cộng đồng, người dân tham gia trực tiếp bảo vệ rừng, góp phần quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển còn hạn hẹp.

"Để khai thác giá trị đa dụng của rừng, việc khai thác các giá trị về du lịch sinh thái là hướng ưu tiên của chúng tôi; bên cạnh đó là các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, nông - lâm kết hợp, tham mưu xây dựng các chính sách việc chi trả tín chỉ carbon rừng để cộng đồng, người dân, các chủ rừng có động lực trong việc bảo vệ, phát triển rừng", ông Bảo nói.

Sẽ cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu

Theo lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) đã ký giữa Việt Nam (Bộ NN-PTNT) và Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỉ đồng.

Ý định thư về mua bán giảm phát thải ký kết giữa Việt Nam (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ.

Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent - cơ quan hành chính của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022 - 2026.

Ông Bảo nhấn mạnh: "Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường".

Trong thời gian tới, để xã hội hóa nghề rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong luật Đất đai sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, Bộ NN-PTNT có đề xuất sửa đổi một số điều như cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu.

Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT)

Bộ NN-PTNT cũng tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định một số chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có đề xuất nâng định mức hỗ trợ người dân bảo vệ rừng. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho các chính sách đầu tư, phát triển rừng cũng như thu hút các doanh nghiệp trong chế biến lâm sản.

"Chúng tôi cũng đang đề xuất sửa đổi một số điều của Nghị định 156 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Lâm nghiệp, trong đó đề cập đến 2 lĩnh vực quan trọng.

Một là về phát triển du lịch sinh thái, quy định phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để vừa phát huy giá trị, vừa thu hút nguồn lực cộng đồng, người dân, chủ rừng đầu tư bảo vệ, phát triển rừng. Hai là phát triển các loại hình chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ lưu giữ và hấp thụ carbon rừng, nhằm huy động thêm nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển rừng" ông Bảo thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.