Doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá xăng dầu?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/03/2024 07:42 GMT+7

Bộ Công thương vừa hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến dự thảo mới về nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá xăng dầu

Theo Bộ Công thương, trong vòng 10 năm qua, Nghị định 83 đã trải qua 3 lần được bổ sung, sửa đổi nhằm tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, đến nay nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu phải xem xét sửa đổi, bổ sung để đáp ứng thực tiễn. Vì vậy cần hợp nhất các quy định thành một nghị định với các nội dung mới để doanh nghiệp thuận lợi trong thực thi.

Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng các doanh nghiệp đầu mối, cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới như: Thương nhân phân phối được mua xăng dầu của nhau kéo theo việc hình thành thị trường thứ cấp trong khâu phân phối (trung gian), làm tăng thêm chi phí trong khâu này.

Để giảm sự can thiệp của Nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, dự thảo mới quy định, Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế... 

"Thương nhân đầu mối xăng dầu sẽ tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán của doanh nghiệp không được cao hơn giá tối đa theo công thức quy định. Sau khi công bố, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát", dự thảo nêu.

Doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá xăng dầu?- Ảnh 1.

Bộ Công thương vừa công bố dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu, thay thế các nghị định hiện tại, theo hướng nhà nước hạn chế tối đa can thiệp vào giá

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đặc biệt, doanh nghiệp được phép bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ được việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của doanh nghiệp. Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.

Duy trì Quỹ bình ổn giá, không cho thương nhân phân phối mua qua bán lại

Cũng theo dự thảo, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tiếp tục được duy trì, mặc dù việc vận hành quỹ phát sinh nhiều bất cập. Trên cơ sở luật Giá, dự thảo đưa ra phương án cần quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ...

Để quản lý hoạt động mua bán nhập nhằng giữa các doanh nghiệp, dự thảo bổ sung quy định liên quan đến việc doanh nghiệp xăng dầu vẫn được thuê sử dụng kho nhưng sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, doanh nghiệp đầu mối khi thuê kho chứa sẽ phải kết nối dữ liệu kho chứa, dữ liệu kinh doanh xăng dầu với Bộ Công thương. Doanh nghiệp đầu mối có 24 tháng để thực hiện việc kết nối dữ liệu kể từ khi nghị định mới có hiệu lực thi hành.

Liên quan đến nguồn, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3/tấn xăng dầu mỗi năm. Quy định nhằm "siết" việc nhiều doanh nghiệp đầu mối được cấp giấy phép, song không thực hiện hoặc không được phân giao hạn mức nhập khẩu theo quy định.

Đối với hệ thống phân phối xăng dầu hiện đang tồn tại các loại hình gồm: thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, tình trạng cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau đã gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung. Vì vậy, dự thảo nghị định mới dù không loại bỏ loại hình này, nhưng sẽ có quy định chặt chẽ hơn là chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Dự thảo mới cũng đề xuất 3 hình thức đối với loại hình doanh nghiệp bán lẻ. Đó là nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối; nhận quyền bán lẻ xăng dầu; hoặc mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối để bán lẻ tại cửa hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.