Đề xuất mở rộng thêm 3 đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thu Hằng
Thu Hằng
20/03/2024 16:58 GMT+7

Hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Luật Việc làm cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên..., vì thế Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mở rộng thêm đối tượng tham gia BHTN.

Đây là nội dung mới liên quan đến BHTN được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến tại dự thảo tờ trình luật Việc làm.

Đề xuất mở rộng thêm 3 đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

THU HẰNG

Theo cơ quan này, luật Việc làm đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 16.11.2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện luật Việc làm đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành; các quy định, chính sách của luật chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội; một số quy định của luật chưa đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Đáng chú ý, BHTN theo quy định của luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp; một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng BHTN không còn phù hợp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động, tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia và linh hoạt mức đóng BHTN.

Cụ thể: dự thảo mở rộng đối tượng người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát , người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Không cố định mức đóng BHTN

Cũng theo cơ quan soạn thảo, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, Nghị quyết số 42-NQ/TƯ nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay luật Việc làm quy định mức đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng, do đó chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi quỹ kết dư lớn.

Đơn cử như trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ quỹ BHTN. Theo đó, quỹ BHTN đã hỗ trợ 346.664 đơn vị với gần 12 triệu lao động giảm đóng BHTN khoảng 9.211 tỉ đồng; hỗ trợ 12,9 triệu lao động với số tiền hơn 30.802 tỉ đồng.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15, quỹ BHTN đã hỗ trợ 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỉ đồng.

Từ bất cập trên, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa đổi mức đóng BHTN theo hướng, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.