Đề xuất gói hỗ trợ 844.000 tỉ phục hồi phát triển kinh tế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/12/2021 11:04 GMT+7

Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia đề xuất gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ khoảng 844.000 tỉ đồng để phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2022 - 2023.

Kinh tế đang có dấu hiệu lỡ nhịp, tụt hậu

TS Cấn Văn Lực trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

đậu tiến đạt

Trình bày tham luận về một số gợi ý chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, sáng 5.12, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia, cho rằng, kinh tế Việt Nam “đang có dấu hiệu lỡ nhịp, lỡ cơ hội, tụt hậu” do tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Lực phân tích tăng trưởng GDP quý III năm 2021 giảm 6,17% và cả năm 2021 dự báo chỉ tăng khoảng 2%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp quý 3 năm 2021 tăng 3,98%. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ đó, ông Lực cho rằng, việc ban hành chính sách tài khoa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay “vẫn còn”.

“Dư địa mở rộng chính sách tài khóa là vẫn còn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ”, ông Lực nhận định và phân tích, thu ngân sách 2021 nhiều khả năng đạt 100% kế hoạch, thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát tốt trong giai đoạn trước, trong khi đó, quy mỗ hỗ trợ tài khóa gần 3% là vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong khi đó, theo ông Lực, điều kiện thị trường tiền tệ, ngân hàng hiện nay khả quan hơn giai đoạn trước, song dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng còn, song không nhiều khi lãi suất đang ở mức thấp nhất trong 20 năm; sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Từ đó, ông Lực cho rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế phải tác động cả tổng cung và tổng cầu vì hiện nay “cầu thì yếu còn cung thì tắc nghẽn”. Ông cũng đề nghị, các gói hỗ trợ phải khả thi và triển khai nhanh, hiệu quả với đối tượng chủ yếu là lao động và người sử dụng lao động.

Phải chấp hụt thâm hụt ngân sách tăng thêm 1% mỗi năm

Từ các phân tích, ông Lực và nhóm chuyên gia đề xuất gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ với tổng giá trị khoảng 844.000 tỉ tập trung trong 2 năm 2022 - 2023. Trong đó, các chính sách tài khóa khoảng 678.395 tỉ (8,34% GDP); các chính sách tiền tệ 65.000 tỉ (0,8% GDP) các chính sách an sinh xã hội 12.800 tỉ (0,16% GDP) và chính sách khác khoảng (37.650 tỉ).

Các chính sách hỗ trợ theo đề xuất của nhóm nghiên cứu

gia hân

Các chính sách bao gồm giảm thuế VAT, giảm phí BHXH, giảm thuế bảo vệ môi trường 2022, giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Ông Lực cũng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại 4 vùng kinh tế trọng điểm với mứ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng cho 2 triệu lao động.

Ngoài ra, ông Lực cũng đề nghị giảm 10% tiền điện, cước viễn thông năm 2022 với giá trị khoảng 26.650 tỉ đồng. Đồng thời, huy động thêm sự đầu tư của Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khoảng 50 tỉ đồng.

Ông Lực cho hay, với giá trị thực chi của gói hỗ trợ trên khoảng 445.760 tỉ đồng (khoảng 5,12% GDP) thì nguồn lực cho gói hỗ trợ bao gồm tiết giảm chi phí, thúc đẩy cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cho phép sử dụng bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội mua trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách như Quỹ Viễn thông công ích, Quỹ Khoa học công nghệ tại địa phương và doan nghiệp và chấp nhận sử dụng quỹ dự trữ ngoại nếu cần.

”Để thực hiện được gói hỗ trợ nói trên, chúng ta phải chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm ít nhất 1% mỗi năm trong 2022 - 2023”, ông Lực phân tích đồng thời đề nghị, để thực hiện gói hỗ trợ, cần hết sức tháo gỡ các rào cản thể chế để tăng khả năng hấp thụ, mới đảm bảo các chính sách phát huy hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.