Đề xuất đóng thêm giao lộ trọng điểm phía đông để đẩy nhanh nút giao An Phú

12/04/2024 18:31 GMT+7

Đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đề xuất đóng toàn bộ nút giao Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) để tổ chức thi công đồng thời 4 đốt hầm kín thuộc dự án nút giao An Phú.

Nội dung trên được Ban Giao thông báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi thị sát chiều nay tại 2 dự án trọng điểm phía đông TP.HCM (12.4).

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thị sát công trường dự án Nâng cấp đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định)

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thị sát công trường dự án Nâng cấp đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định)

Thách thức lớn khi đóng nút giao 5 tháng

Báo cáo tổng thể tiến độ công trình xây dựng nút giao An Phú, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Giao thông (chủ đầu tư) cho biết dự án có vốn đầu tư 3.408 tỉ đồng với quy mô xây dựng 3 tầng, có phần đường từ 10 - 12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe. Hiện nay, đơn vị thi công các gói thầu như hầm chui đường dẫn cao tốc, cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố, cầu vượt các nhánh…

Trong đó, hạng mục hầm chui HC1-01 đã hoàn thành các đốt hầm hở từ K1-K5 và K16-K19, đang thi công các đốt hầm hở từ K6, K12 và K15. Đối với phần hầm kín tại nút giao Đồng Văn Cống, hiện các nhà thầu đang cải tạo đường Mai Chí Thọ kết nối vào đường D1 phục vụ tổ chức giao thông trước khi thi công các đốt hầm kín. Dự kiến ngày 30.4 tới sẽ thi công hoàn thành công tác cải tạo nút giao này.

Phía chủ đầu tư dự kiến hoàn thành gói thầu trong tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, theo ông Lương Minh Phúc, hiện trong công tác tổ chức giao thông ở công trình nút giao An Phú có 2 khu vực phức tạp nhất là vòng xoay An Phú và ngã ba đường Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ. Việc thi công giữa các đốt hầm chìm phải đồng bộ với các mấu trụ cho cầu vượt trên cao. Điều này đòi hỏi tổ chức giao thông vừa phải đẩy nhanh tiến độ, vừa đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động tới di chuyển của người dân.

Hầm hai chiều của dự án nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống đang dần hình thành

Hầm hai chiều của dự án nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống đang dần hình thành

Hiện nay với khu vực vòng xoay An Phú, nhà thầu đang phải thi công từng đốt hầm, sau đó tái lập để trả lại tổng mặt cắt không thay đổi để thi công tiếp phần mấu trụ các cầu vượt trên cao. Mặt bằng nằm chồng lên nhau. Tương tự, giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ cũng vừa phải thi công 6 đốt hầm chìm, vừa thi công 2 cầu vượt trên cao. Có những khu vực các mấu trụ thi công trên khu vực các hầm. Nếu cũng lần lượt thi công như phương án đã triển khai tại vòng xoay An Phú thì thời gian sẽ kéo dài hơn.

Vì thế, đơn vị tư vấn cùng Sở GTVT và lực lượng CSGT đang nghiên cứu phương án có thể thi công đồng bộ các khu vực đó, trong điều kiện có thể chiếm dụng cục bộ toàn khu vực này. Đồng nghĩa tổ chức cho các xe đi vòng xa hơn nhưng phải đảm bảo thông thoáng, như cách đang triển khai tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh hiện nay. Có thể các phương tiện thay vì đi từ phía đường Mai Chí Thọ sang Đồng Văn Cống thì dòng xe sẽ đi thẳng trục Mai Chí Thọ về phía đường hầm sông Sài Gòn, chỗ đường D1 rồi quay đầu trở lại, đi tiếp về hướng đường Giồng Ông Tố.

Để tổ chức được phương án này, hiện nay các đơn vị tư vấn, Ban Giao thông và Sở GTVT đang chủ trì để kiểm tra, đánh giá thực địa trên mô hình để đưa ra phương án tối ưu. Trong trường hợp Sở GTVT chấp thuận phương án đóng toàn bộ nút giao Đồng Văn Cống để tổ chức thi công đồng thời 4 đốt hầm kín (K7-K10) thì sẽ triển khai sau 30.4 và có thể hoàn thành gói thầu xây lắp vào ngày 2.9, tiết kiệm được khoảng 3 - 4 tháng so với phương án thi công lần lượt. 

"Do hiện nay đơn vị thi công đã tạm chiếm dụng toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nay nếu chiếm dụng thêm nút giao Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ chắc chắn sẽ có tác động đến hoạt động giao thông của các phương tiện. Đặc biệt là khi mật độ giao thông tại nút giao cửa ngõ phía Đông còn lớn hơn, nhiều xe container thường xuyên di chuyển. Chính vì vậy, hiện nay Sở GTVT đang xem xét tổng thể, nghiên cứu cả phương án lưu thông từ nút giao này tới nút giao Nguyễn Văn Linh và trong khu vực tổ chức phân luồng từ xa, nhất là với dòng xe gắn máy. Có thể mở thêm những con đường thay thế để xe gắn máy tránh di chuyển vào nút giao. Tất cả phụ thuộc việc xem xét các mô hình, khảo sát thực địa chi tiết trên nguyên tắc là hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt của người dân" - ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Các nhà thầu vừa

Các nhà thầu vừa "chạy đua tiến độ", vừa chờ mặt bằng tại công trình nút giao An Phú

Vẫn vướng giải phóng mặt bằng

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đã khảo sát công trường dự án Nâng cấp đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định).

Tại đây, phía chủ đầu tư thông tin: trong tổng 5 gói thầu xây lắp của dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của, chỉ có 1 gói đã hoàn thiện (XL3 - xây cầu Ông Tranh). Các gói còn lại chỉ làm xong ở những chỗ đã được giao mặt bằng. Đối với gói XL1 (nút giao thông Trần Não - Lương Định Của - đại lộ Vòng Cung và phần đường đến cầu Ông Tranh) đã làm xong các vị trí được bàn giao mặt bằng. Đoạn này hiện còn vướng 2 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và phạm vi chồng lấn ranh với dự án Trường Thịnh phải chờ điều chỉnh quy hoạch nên đang tạm ngưng làm.

Gói XL2 (đường từ cầu Ông Tranh đến đường Nguyễn Hoàng) đang xây dựng trở lại tại vị trí 1 hộ thuộc dự án 131ha mới bàn giao từ tháng 8.2023. Tuy nhiên, hiện nay đoạn này vẫn còn vướng 2 mặt bằng. Phức tạp nhất là phần đường dài khoảng 600m từ Nguyễn Hoàng đến đường Mai Chí Thọ (nút giao An Phú). Phần đất này thuộc dự án 88,03ha (khoảng 22.000m2) do Công ty CP địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư (64 hộ dân bị ảnh hưởng). Hiện chưa có phương án bồi thường.

Đề xuất đóng thêm giao lộ trọng điểm phía đông để đẩy nhanh nút giao An Phú- Ảnh 4.

Ông Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ đồng bộ 2 công trình

H.M

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết phần ranh dự án đang chồng lấn không còn vướng, chỉ còn chờ hoàn thiện thủ tục là đơn vị thi công có thể triển khai ngay. Với 2 hộ dân chưa bàn giao, UBND TP Thủ Đức  sẽ tăng cường vận động người dân, đảm bảo kịp bàn giao mặt bằng trong tháng 4, chậm nhất là trong tháng 5. Trường hợp người dân không đồng thuận sẽ buộc phải thu hồi.

Riêng với phần đất thuộc dự án 88,03ha đang vướng, phía TP Thủ Đức đang cùng Ban Giao thông, các Sở có liên quan hoàn thiện hồ sơ xin Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm ranh dự án để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Dự kiến sau khi được Thủ tướng chấp thuận, UBND TP Thủ Đức sẽ cần thêm khoảng 6 tháng để hoàn tất thu hồi phần mặt bằng này.

Sau khi nghe báo cáo tổng thể 2 dự án, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị cần quyết tâm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho cả 2 công trình. Với dự án nâng cấp đường Lương Định Của, UBND TP Thủ Đức cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, rà soát thật kỹ, chi tiết để Thủ tướng Chính phủ có thể "gật đầu" trong thời gian sớm nhất. Song song, Ban Giao thông cũng đẩy nhanh tiến độ thi công trực tiếp tạo công trường để hoàn thiện dự án, sạch sẽ và đẩy nhanh để thông toàn dự án.

Riêng với phương án đóng nút giao Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu thật kỹ, đánh giá toàn diện tác động của việc tổ chức giao thông tới các phương tiện. Nếu có phương án mở đường thay thế hợp lý, không quá ảnh hưởng mà lại giúp các đơn vị có thể tập trung đẩy nhanh tiến độ thì có thể triển khai. 

"Mong người dân cùng đồng lòng, chia sẻ với ngành giao thông TP.HCM trong giai đoạn tăng tốc các dự án. Mục đích cuối cùng vẫn là đưa các công trình vào khai thác sớm nhất có thể, phục vụ người dân" - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.