Đề xuất bổ sung đối tượng nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng

Thu Hằng
Thu Hằng
28/05/2020 07:16 GMT+7

Qua khảo sát thực tế, nhiều địa phương đã kiến nghị bổ sung thêm đối tượng vào diện hỗ trợ của gói 62.000 tỉ đồng, do có hoàn cảnh khó khăn .

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lạng Sơn, địa phương này có khoảng hơn 20.000 lao động từ các nơi khác đến làm ăn, trong đó nhiều đối tượng không nằm trong nhóm lao động tự do được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng theo quyết định của Chính phủ. Đó là những người làm nghề giúp việc, phụ hồ, vặt lông gà, trông trẻ, kéo xe, cắt cỏ thuê.
Tuy nhiên, bà Nông Thị Thảo, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn, kiến nghị bổ sung các hợp tác xã, trường mầm non tư thục vào diện được hỗ trợ. “Ngày 25.5, Lạng Sơn bắt đầu chi trả cho nhóm đối tượng tự do nằm trong Quyết định 15, những đối tượng phát sinh thêm, tỉnh đã kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH bổ sung vào danh sách hỗ trợ. Nếu T.Ư không đồng ý, địa phương sẽ báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội, cho biết từ tuần này, Hà Nội bắt đầu chi trả cho các đối tượng lao động tự do. Tuy nhiên, ông Dân cũng cho hay: “Có nhiều phát sinh liên quan đến xác định thu nhập của cá nhân lao động và mức sống của hộ gia đình lao động. Chẳng hạn, một người đi làm xe ôm nhưng gia đình có điều kiện, nếu được hỗ trợ thì sẽ gây bất bình vì nhiều người khó khăn hơn, nhưng không thuộc diện được hỗ trợ”.
Bên cạnh đó, việc Bộ LĐ-TB-XH quy định cụ thể địa điểm nơi làm việc của đối tượng lao động tự do đang gây khó cho địa phương. “Bộ quy định lao động làm bốc vác, vận chuyển hàng hóa ở cảng hàng không, nhà ga, đường sắt, bến tàu, chợ… quy định rõ địa điểm như vậy rất khó cho các địa phương, bởi nhiều người làm bốc vác ở những địa điểm khác như công trình xây dựng, thì không thuộc đối tượng hỗ trợ… Chúng tôi cũng đã có đề nghị Bộ hướng dẫn chung là lao động có thu nhập chính từ bốc vác, bán hàng rong… không cần quy định cụ thể địa điểm làm ở đâu”, ông Dân nói.
Bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hòa Bình, cho hay: “Trong Quyết định 15 có nêu những trường hợp bổ sung thêm do nguồn lực địa phương chi trả. Chúng tôi cũng đã tham mưu và trình bổ sung đối tượng thuộc nhóm lao động tự do, bởi người này được, người kia không được cũng bất cập”.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, đến nay tỉnh đã chi trả cho các đối tượng và còn hơn 300 tỉ đồng chi trả cho các đối tượng còn lại, nên gặp rất nhiều khó khăn. Đó là lý do Nghệ An khó có thể mở rộng đối tượng ngoài Quyết định 15 và mong Bộ LĐ-TB-XH cùng với các địa phương tháo gỡ, đặc biệt là hỗ trợ nguồn kinh phí cho những tỉnh đặc thù như Nghệ An.
Trả lời Thanh Niên ngày 26.5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân bày tỏ: “Bây giờ nếu chỉ cần mở rộng đối tượng một chút thôi, thì khi triển khai sẽ không đủ tiền. Mà không đủ tiền thì đối tượng này có, đối tượng kia không có là không tốt. “Một miếng khi đói” rất quan trọng, nhưng chỉ cần không công bằng một chút thôi là vô cùng khó khăn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Do vậy, các địa phương phải tự cân đối, với những địa phương không thể cân đối ngân sách, có thể báo Bộ Tài chính trình, xin ý kiến Chính phủ”.
Trong khi một số địa phương kiến nghị bổ sung đối tượng, thì theo Bộ LĐ-TB-XH, một số tỉnh, TP như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh... còn cân đối ngân sách địa phương để bổ sung thêm một số đối tượng hỗ trợ nằm ngoài quyết định như giáo viên mầm non, lao động tự do, lao động bị mất việc...
Nhiều địa phương đã chủ động rà soát, xác định đối tượng, hạn chế trùng lặp; một số địa phương đã xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu và lọc đối tượng, như Hà Tĩnh, Bình Định... để chi ngân sách hiệu quả, không sai sót.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, một số địa phương còn quá thận trọng, cầu toàn, khó khăn về ngân sách... nên tiền chậm đến tay người thuộc diện được hỗ trợ, giảm ý nghĩa của chính sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.