Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, nước giải khát có đường

11/05/2023 16:00 GMT+7

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ game online và nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tư pháp vừa đăng tải tài liệu họp thẩm định về đề nghị xây dựng dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Luật này do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Áp thuế TTĐB với game online, nên hay không?

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, nước giải khát có đường - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế TTĐB

T.N

Bộ này viện dẫn báo cáo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, bên cạnh mặt tích cực, game online cũng có tác động tiêu cực đến người chơi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Ví dụ như thừa cân, béo phì, thị lực, xương khớp, rối loạn tâm thần, trầm cảm, gây nghiện…

Những năm vừa qua, doanh thu của ngành game online đều tăng trưởng ở mức khá: năm 2019 đạt gần 7.581 tỉ đồng, năm 2021 đạt 11.486 tỉ đồng, năm 2022 dự kiến đạt 12.000 tỉ đồng.

Do vậy, việc bổ sung loại hình này vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB là cần thiết, vừa để định hướng tiêu dùng, nhất là đối với thanh thiếu niên, vừa mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách.

Cho ý kiến góp ý dự thảo, nhiều cơ quan (Bộ TT-TT, Bộ VH-TT-DL, Bộ Công an…) đề nghị nghiên cứu kỹ, bổ sung tính thuyết phục hoặc đề nghị không áp thuế TTĐB với game online, bởi đây là dịch vụ được khuyến khích phát triển, kỳ vọng trở thành ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được áp dụng, rất có thể gây ra sự dịch chuyển hành vi tiêu dùng khi người chơi sẽ chọn các trò chơi được cung cấp bởi doanh nghiệp (DN) nước ngoài, hoặc khuyến khích DN Việt Nam di chuyển trụ sở ra nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính giữ nguyên quan điểm. Theo bộ này, hiện nay dù chưa có chính sách thuế TTĐB đối với kinh doanh game online nhưng các DN Việt Nam vẫn lựa chọn đóng trụ sở chính ở ngoài nước ngoài để sản xuất game.

Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn đầu tư ở nước ngoài của DN như danh tiếng, vị thế công ty ở nước ngoài sẽ tốt hơn, thủ tục hành chính... Vì vậy, ý kiến cho rằng áp thuế TTĐB sẽ khuyến khích DN Việt Nam chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành cần tăng cường việc quản lý các game bất hợp pháp, Bộ TT-TT cần tập trung triển khai cải cách thủ tục cấp phép để thu hút DN.

Sữa, nước khoáng thiên nhiên sẽ không phải chịu thuế TTĐB

Một đối tượng khác cũng được Bộ Tài chính đề nghị bổ sung chịu thuế TTĐB là nước giải khát có đường.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, nước giải khát có đường - Ảnh 2.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo luật Thuế TTĐB sửa đổi

T.N

Theo lý giải, việc áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường là thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã nêu tại các Nghị quyết số 07- NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người, cả về thể chất và tinh thần, đã được các tổ chức quốc tế về y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và Bộ Y tế đưa ra tài liệu chứng minh. Các tổ chức đều khuyến nghị áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường sẽ là giải pháp góp phần giảm tiêu dùng sản phẩm này.

Số liệu của WHO cho thấy, hiện nay có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường đã mang lại hiệu quả.

Ví dụ tại Mexico, sau 2 năm áp dụng thuế TTĐB các hộ gia đình đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỉ USD; tại Thái Lan, sau 2 năm áp dụng thuế TTĐB, lượng tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày giảm 2,8% và một số công ty đã công bố kế hoạch từng bước cải tổ sản phẩm theo hướng giảm lượng đường.

Còn tại Việt Nam, thông tin từ Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.

Vẫn theo Bộ Tài chính, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ loại trừ các sản phẩm như sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên, nước rau, quả hoặc sản phẩm từ cacao…

Đồng thời, để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nước giải khát có hàm lượng thấp, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.