Để tránh tiêu cực khi giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ còn mục tiêu duy nhất là đánh giá thành quả học tập của học sinh THPT để xét cấp bằng tốt nghiệp, nhưng đó vẫn là kỳ thi quốc gia do tầm quan trọng của nó.

Nếu kết quả kỳ thi này phản ánh khách quan, chính xác trình độ nhận thức và kỹ năng của thí sinh, giá trị của bằng tốt nghiệp THPT được khẳng định xứng đáng thì các trường ĐH, CĐ có thể dùng để tuyển sinh cho mình. Vì thế, vấn đề chính của kỳ thi này là tổ chức sao để có kết quả khách quan, chính xác mà không bị các yếu tố tiêu cực chi phối.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ GD-ĐT, quyền tổ chức kỳ thi này được giao trách nhiệm toàn diện cho các địa phương, trong đó chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có trách nhiệm cao nhất.
Trong hoàn cảnh như vậy, việc “địa phương hóa” kỳ thi này dễ tạo điều kiện cho các “nhóm lợi ích” hoạt động…
Để giải quyết bất hợp lý của việc “địa phương hóa”, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức kỳ thi này theo đúng tầm quốc gia, nghĩa là có giá trị phổ quát trên toàn quốc, chứ không phải là hoạt động khu biệt trong từng địa phương. Theo đó, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT (bao gồm những nhà giáo có uy tín trong xã hội, không nhất thiết phải là các quan chức của bộ máy công quyền) nắm trọn quyền tổ chức điều hành kỳ thi từ trung ương đến các địa phương theo hệ thống quản lý ngành dọc của Bộ. Thí sinh ở các tỉnh thành vẫn dự thi tại chính địa phương mình. Hội đồng coi thi và chấm thi tại các tỉnh thành vẫn bao gồm đội ngũ cán bộ giáo dục và giáo viên các trường THPT ở địa phương, nhưng do Bộ thành lập, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc hoán đổi: hội đồng được thành lập ở mỗi tỉnh thành không coi thi và chấm thi tại địa phương mình, mà được điều động đi làm nhiệm vụ ở địa phương khác. Thí dụ: hội đồng được thành lập từ tỉnh A sẽ coi thi và chấm thi ở tỉnh B, còn hội đồng được thành lập từ tỉnh B sẽ thực hiện nhiệm vụ ở tỉnh C... Ban thanh tra thi của các địa phương cũng được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc hoán đổi đó.
Tổ chức kỳ thi như vậy sẽ triệt tiêu được bệnh thành tích của các địa phương, đồng thời ngăn chặn được hầu hết các hành vi gian lận trong coi thi và chấm thi, kể cả hoạt động của các “nhóm lợi ích”.
Cách thức tổ chức kỳ thi như trên là kinh nghiệm quý báu tích lũy hàng chục năm của các kỳ thi tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 (ở miền Bắc) và thi tú tài (ở miền Nam) trước năm 1975. Thuở ấy, sau các kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc như vậy, trên cả hai miền Nam - Bắc hầu như không có “thành tích tốt nghiệp 100%”, tuyệt nhiên không có vụ gian lận điểm thi nào bị truy tố theo pháp luật; nhưng bằng tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 cũng như bằng tú tài có giá trị rất cao và được tin tưởng tuyệt đối để xét tuyển vào ĐH, đi du học hoặc tuyển dụng vào các ngành nghề xứng đáng cho người được cấp bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.