Để 'tránh sốc' cho thị trường lao động

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
(thực hiện)
01/01/2024 06:35 GMT+7

Năm 2023, từ tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, TP.HCM đã chịu nhiều tác động, trong đó có việc một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Điều này đặt ra trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH trong công tác kết nối việc làm, nhất là vai trò của ngành dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động để tránh những "cú sốc" lớn cho người lao động.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (sau đây gọi tắt là trung tâm), cho biết thị trường lao động VN mới được hình thành nên sự chuyển dịch lao động chưa tuân theo quy luật thị trường, mức lương chưa phải là thước đo giá trị thực sự của lao động.

Để 'tránh sốc' cho thị trường lao động- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu

T.L

Trong bối cảnh này, ngành dự báo cung - cầu lao động đóng vai trò quan trọng để góp phần hoàn thiện thị trường lao động. Thông tin dự báo sẽ góp phần điều tiết chuyển dịch nguồn nhân lực quốc gia, vùng lãnh thổ và các ngành nghề kinh tế. Thông tin dự báo có độ tin cậy càng cao thì càng giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách, chiến lược liên quan đến lao động - việc làm phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH. Ở góc độ vi mô, thông tin dự báo giúp các cơ sở đào tạo xác lập chương trình đào tạo phù hợp và giúp doanh nghiệp (DN) trong quản trị nhân sự, tuyển dụng và sử dụng lao động.

Là đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thời gian qua, trung tâm thực hiện công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động như thế nào?

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu: Hằng năm, trung tâm khảo sát, thu thập thông tin của 50.000 lượt DN và hơn 120.000 sinh viên, học viên, người lao động. Các mẫu khảo sát, thu thập đảm bảo tính đại diện và phương pháp chọn mẫu đảm bảo tính khoa học cao. Ngoài nguồn dữ liệu này, mỗi tháng trung tâm còn lấy số liệu kinh tế, lao động, việc làm từ các đơn vị thống kê để qua đó tạo lập cơ sở dữ liệu về tổng sản phẩm nội địa (GRDP), cung - cầu lao động, tiền lương và năng suất lao động…

Tất cả dữ liệu được khai thác, thu thập cơ bản phục vụ được công tác phân tích, nhận định thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực. Qua đó, là cơ sở để tham mưu các định hướng hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chính sách lao động - việc làm, an sinh xã hội theo định hướng phát triển kinh tế tại TP.HCM.

Bà đánh giá thế nào về thuận lợi khi đơn vị thực hiện chức năng của mình? Nhiều ý kiến cho rằng công tác dự báo chưa đạt hiệu quả cao, chưa đi sát thực tế của thị trường lao động?

Suốt quá trình hoạt động, trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH và sự đồng hành của các đơn vị liên quan. Hiện nay, đi kèm với sự phát triển công nghệ, viên chức của trung tâm, về cơ bản, đã ứng dụng được một số phần mềm thống kê và các phương pháp dự báo nguồn nhân lực.

Để 'tránh sốc' cho thị trường lao động- Ảnh 2.

Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2024 của TP.HCM là từ 300.000 - 320.000 lao động mới

Đào Ngọc Thạch

Thực tế thì suốt những năm qua, tập thể đơn vị đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp vào hoạt động chung của ngành LĐ-TB-XH. Phải kể đến là việc xây dựng quy trình dự báo, phân tích diễn biến thị trường lao động, ứng dụng các phương pháp, mô hình dự báo; từ đó cho ra các báo cáo phân tích thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực định kỳ trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Trong đó, trung tâm chú trọng phân tích sâu về 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ chủ yếu, 8 ngành nghề dịch chuyển lao động tự do trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và những ngành nghề thu hút nhiều lao động, theo định hướng phát triển KT-XH của TP.HCM.

Đồng thời tổ chức nhiều đề tài, chuyên đề nghiên cứu… để qua đó đề xuất, tham mưu công tác quản lý nhà nước về lao động - việc làm. Đáng kể là năm nay đơn vị đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp trung tâm: "Nghiên cứu ứng dụng mô hình dự báo cầu lao động tại TP.HCM", đây là cơ sở quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện xây dựng phần mềm dự báo nhu cầu lao động trên địa bàn TP.HCM (dự kiến hoàn thành trong năm 2024).

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận những khó khăn chính hiện nay khi thực hiện công tác dự báo. Thứ nhất là cơ sở khoa học của phương pháp dự báo đôi khi chưa đáp ứng kịp thời với thực tiễn tình hình thị trường lao động. Thứ hai, dù thời gian qua trung tâm đã thu hút được đội ngũ nhân lực trẻ, trách nhiệm và nghiệp vụ cao, nhưng số lượng nhân sự được đào tạo về chuyên môn phân tích số liệu, am hiểu về lĩnh vực dự báo, thông tin thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu công việc ngày một cao hơn vẫn chưa được như kỳ vọng. Thứ ba là khó khăn về dữ liệu. Thiếu sự hỗ trợ từ phía DN nên nguồn dữ liệu khảo sát, thu thập được chưa thật sự đầy đủ, khách quan so với thực tế của thị trường lao động, ảnh hưởng kết quả dự báo.

Trong khi đó, nguồn dữ liệu thu thập từ các cơ quan thống kê lại có chu kỳ trễ hơn so với chu kỳ dự báo, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công tác dự báo nguồn nhân lực. Thế nên nguồn dữ liệu này thường chỉ mang tính chất tham khảo, tính sai số kết quả và điều chỉnh kết quả dự báo.

Chúng tôi cũng nhìn nhận một thực trạng là VN hiện có một số đơn vị thực hiện công tác dự báo như trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực; trung tâm dự báo quốc gia hay các viện nghiên cứu thuộc các bộ, ngành, các trường đại học... Nhưng các đơn vị thực hiện theo các phương thức khác nhau, thiếu thống nhất. Do đó, chúng tôi cho rằng VN nói chung và TP.HCM cần hướng tới nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung - cầu lao động chung, phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Trung tâm sẽ làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động?

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động trong ngắn hạn (1 năm), trung hạn (1 - 3 năm) và dài hạn (5, 10 và 20 năm). Cụ thể, chúng tôi hướng đến các đầu việc chính là tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin cung - cầu lao động, đảm bảo nguồn thông tin tin cậy để tạo lập được một cơ sở dữ liệu về kinh tế; dân số; thị trường lao động; tình hình, nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề, kỹ năng nghề.

Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học hiệu quả và mang tính thực tiễn. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng hiệu quả phần mềm dự báo nhu cầu lao động do Sở LĐ-TB-XH đầu tư vận hành tại trung tâm để phục vụ tốt cho hoạt động dự báo, phân tích thị trường lao động.

Ở góc độ vi mô, trung tâm mở rộng quy mô, đối tượng tiếp cận thông tin để hướng tới sự kết nối trong thị trường lao động, nhất là phối hợp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức thông tin thị trường lao động…

Dự báo thị trường lao động năm 2024

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu cho biết sau một thời gian dài thị trường lao động khó khăn vì tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động thì nhu cầu tuyển dụng tăng vào dịp cuối năm 2023 đã tạo ra những gam màu sáng cho bức tranh lao động - việc làm.

Năm 2024 là năm tiếp tục thực hiện các định hướng phát triển kinh tế của TP.HCM, nhất là phát huy thế mạnh về trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại - mua sắm; dịch vụ logistics; du lịch; đổi mới sáng tạo và đặc biệt là hướng tới sản xuất, tiêu dùng bền vững. Theo tính toán của trung tâm, ước tính lực lượng lao động TP.HCM năm 2024 khoảng hơn 5,1 triệu người.

Với mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 8,5% của TP.HCM, trung tâm dự báo có cầu lao động (số lao động có việc làm) là hơn 4,8 triệu người, tập trung ở khu vực công nghiệp - xây dựng 30,89% và thương mại - dịch vụ gần 67,61% (còn lại 1,5% ở nông - lâm - thủy sản).

Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2024 cần từ 300.000 - 320.000 lao động, tập trung nhiều nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ (71,31% tổng nhu cầu), công nghiệp - xây dựng (28,58%) và nông - lâm - thủy sản (0,11%). Đáng lưu ý, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87% và lao động phổ thông chiếm 13%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.