Đề thi THPT quốc gia sẽ tăng cường các câu hỏi mở

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
11/05/2019 10:38 GMT+7

Ngày 11.5, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết đề thi năm 2019 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, tăng cường các câu hỏi mở và sẽ sắp xếp theo độ khó tăng dần.

Tại cuộc trao đổi với báo chí sáng nay, 11.5, ông Mai Văn Trinh đã thông tin chi tiết một số điểm mới và điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia 2019 nhằm phòng ngừa những sai phạm như đã xảy ra ở kỳ thi năm 2018.

Đề thi sắp xếp theo độ khó tăng dần

Một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là Bộ quy định rõ nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Để hỗ trợ cho giáo viên, học sinh trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã sớm xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo (công bố 14 đề thi tham khảo vào tháng 12.2018 - phóng viên).
Để kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận, ông Trinh một lần nữa nêu cụ thể những điều chỉnh về tổ chức và kỹ thuật trong tất cả các khâu tổ chức thi. Trong đó, theo ông Trinh, khâu coi thi là khâu đáng lo ngại và cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm.
Các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan; phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi. Cụ thể là sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng một lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường đại học, cao đẳng; sau khi dán nhãn thì dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.
Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi); phương án sắp xếp phòng thi, phòng chờ tại các điểm thi được tối ưu hóa với sự trợ giúp của phần mềm nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn tại điểm thi;
Phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi với quan điểm đây là nhiệm vụ chính trị của trường, là trách nhiệm của trường đối với hệ thống giáo dục đào tạo và đồng thời cũng là phục vụ trực tiếp quyền lợi của trường thông qua công tác tuyển sinh. Theo đó, điều động các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường đại học, cao đẳng được tăng cường và quy định cụ thể hơn.
Quy định rõ ràng cách thức và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác in sao, vận chuyển đề thi đảm bảo tuyệt đối bảo mật, an toàn và chất lượng đề thi. Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát 24/24 giờ, có lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ; quy định cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi; trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của đại học, cao đẳng thực hiện.

Phân tích kết quả thi để phát hiện gian lận trước khi công bố kết quả

Đáng chú ý trong những điều chỉnh năm nay, theo ông Trinh đó là Bộ sẽ tiến hành phân tích, đánh giá các chỉ số thống kê kết quả thi của các hội đồng thi và của cả nước để kịp thời phát hiện và chủ động có phương án xử lý các sai sót hay gian lận (nếu có) trước khi công bố kết quả thi.
Về khâu chấm thi, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi (bao gồm cả dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và kết quả chấm thi cuối cùng); tiến hành “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng; mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (ngữ văn) do sở GD-ĐT chủ trì; quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra; yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi ngữ văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi.
Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi. Nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng liên thông, đảm bảo chính xác, an toàn, an ninh và bảo mật dữ liệu; đồng thời, hỗ trợ việc ngăn ngừa, phát hiện các gian lận, sai sót trong quá trình vận hành các phần mềm.
Tăng cường chỉ đạo các sở GD- ĐT, các trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường theo hướng người làm công tác này phải hiểu rõ quy chế, quy trình, gắn với trách nhiệm cụ thể; tăng cường sự tham gia của cán bộ am hiểu, có nghiệp vụ về công tác thanh tra, có tinh thần trách nhiệm đến từ các trường đại học, cao đẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.