Đề thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: khoảng 30% tự luận

Quý Hiên
Quý Hiên
02/02/2023 19:59 GMT+7

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết việc đưa phần tự luận vào đề thi không phải để đánh đố thí sinh, vì qua thử nghiệm cho thấy học sinh học tốt đều làm tốt phần thi tự luận.

Nếu các trường ĐH thấy phù hợp, có thể sử dụng để tuyển sinh

Năm nay, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với tư cách là một kỳ thi độc lập, để các trường sư phạm (và các trường ĐH khác, nếu có nhu cầu) sử dụng kết quả làm căn cứ xét tuyển ĐH. Kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 6.5, đồng thời tại Hà Nội và TP.Quy Nhơn. Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ ngày 20.2. 

Đề thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: khoảng 30% tự luận - Ảnh 1.

GS Nguyễn Văn Minh trao đổi với báo chí về một số điểm thi sinh cần lưu ý về kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức

THANH HÙNG

Ngày 2.2, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với báo chí về một số điểm cần lưu ý của kỳ thi.

Theo GS Minh, năm ngoái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã tổ chức kỳ thi này nhưng đó chỉ là một kỳ thi có tính chất nội bộ, được sử dụng như một phương thức tuyển sinh ĐH hệ chính quy của trường. Năm nay, kỳ thi được tổ chức độc lập, vì thế bất kỳ trường ĐH nào có nhu cầu đều có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để làm căn cứ tuyển sinh.

Đến nay đã có 8 trường ĐH (trong đó 6 trường sư phạm, 2 trường đa ngành) tuyên bố sẽ sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2023, gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm  - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Quy Nhơn.

Nhiều trường ĐH khác cho biết là sẽ tiếp tục theo dõi kỳ thi, nếu thấy phù hợp sẽ sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH. "Chúng tôi không hứa hẹn bất kỳ điều gì, mà chỉ cố gắng tổ chức kỳ thi tốt nhất phù hợp với năng lực chuyên môn của mình. Tự kỳ thi sẽ nói lên chất lượng kỳ thi. Tự các trường ĐH sẽ thấy kỳ thi có phù hợp với yêu cầu tuyển chọn của mình hay không để cân nhắc việc sử dụng", GS Minh nói.

GS Minh cho rằng, một thế mạnh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong việc tổ chức kỳ thi để xét tuyển ĐH là, trường có đầy đủ tất cả các ngành đào tạo tương ứng với các môn học ở trường phổ thông. Trong đội ngũ tổng chủ biên, chủ biên của sách giáo khoa mới và người tham gia xây Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có đóng góp rất lớn.

Từ hồi còn có kỳ thi tuyển sinh ĐH "3 chung", Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có rất nhiều thầy, cô tham gia ra đề thi cho kỳ thi này. Hồi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia chấm thi cho rất nhiều trường ĐH ở phía bắc.

GS Minh cho biết, dù năm ngoái kỳ thi chưa phải là một kỳ thi độc lập nhưng đã nhận được sự tin tưởng của thí sinh. Hơn 90% thí sinh dự kỳ thi khi có kết quả đỗ là vào học. Thậm chí, 37% thí sinh trúng tuyển vào các lớp chất lượng cao là từ phương thức này. Đó là những tín hiệu ban đầu hứa hẹn chất lượng của kỳ thi.

Thí sinh học tốt thường làm tốt phần tự luận

So với các kỳ thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (và kể cả kỳ thi tốt nghiệp THPT), kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có một nét khác biệt dễ nhận thấy là tất cả các môn thi đều có phần tự luận. Phần tự luận trong đề thi các môn: toán, lý, hoá, sinh, địa lý, lịch sử đều có tỷ trọng là 30%; riêng môn văn, phần tự luận chiếm 70%; môn tiếng Anh phần tự luận 20%.

Đề thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: khoảng 30% tự luận - Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

MINH HẰNG

"Việc đưa phần tự luận vào 30% cơ cấu đề thi xuất phát từ nhu cầu tuyển sinh của ngành sư phạm. Đào tạo sư phạm là đào tạo giáo viên, đào tạo những người làm nghề dạy học. Để trở thành giáo viên, người học cần có năng lực quan trọng là phải làm cho người khác hiểu thông qua việc trình bày một kiến thức mà mình đã lĩnh hội, thấu hiểu.

Việc yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi theo hình thức tự luận chính là để kiểm tra năng lực đó. Câu trả lời của thí sinh là tín hiệu cần thiết cho thấy người học có tiềm năng trở thành nhà sư phạm hay không", GS Minh giải thích.

GS Minh cho biết, vì phần tự luận các môn chiếm tới 30% kết quả thi (trừ văn, tiếng Anh) nên phần thi này có ý nghĩa cạnh tranh trong tuyển sinh với các thí sinh. Trong những năm gần đây, thí sinh quen thuộc hơn với hình thức thi trắc nghiệm, nhưng điều đó không có nghĩa là các em không có khả năng làm bài tự luận. "Qua thử nghiệm cho thấy, học sinh nào đã học tốt thì cũng làm tốt phần tự luận", GS Minh nói.

Đề thi năm nay sẽ ra theo các môn học riêng lẻ. Thí sinh lựa chọn dự thi theo tổ hợp phù hợp với sở trường của mình. Riêng môn tiếng Anh chia làm 2 ca để em nào cũng có thể dự thi; câu hỏi của đề thi đã được chuẩn hoá, nên đề thi của 2 ca có độ khó tương đương. Cách thức tổ chức kỳ thi này sẽ thuận lợi cho các trường ĐH muốn sử dụng kỳ thi làm căn cứ xét tuyển, vì có thể xét tuyển theo tổ hợp 3 môn như các phương thức tuyển sinh truyền thống.

Không một thầy, cô nào nắm giữ được bí quyết ra đề thi

GS Minh khẳng định, thí sinh học tốt, ôn luyện tốt tại trường THPT nơi mình theo học đều có thể đáp ứng kỳ thi tốt nhất trong khả năng có thể. Các em không cần phải ôn luyện tại các "lò" hay trung tâm luyện thi. Với quy trình ra đề mà Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã, đang và sẽ áp dụng, sẽ không có bất kỳ thầy cô nào tạo được quyền năng hay giữ bí quyết luyện thi nhờ tham gia ra đề thi.

Đề thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: khoảng 30% tự luận - Ảnh 3.

Kỳ thi đánh giá năng lực đã được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức từ năm ngoái, nhưng năm nay mới trở thành một kỳ thi độc lập

MINH HẰNG

GS Minh chia sẻ: "Trước hết, chúng tôi tập hợp một cách độc lập tất cả các thầy, cô tham gia ra đề; sau đó tập hợp độc lập những thầy, cô thẩm định đề, để có "ma trận" đề. Sau khi có "ma trận" đề, có một đội ngũ độc lập khác chọn trên các hệ thống khác nhau để có đề thi. Sau đó thì thử nghiệm đề thi ở các trường phổ thông của chúng tôi (trường chuyên, Trường THPT Nguyễn Tất Thành).

Các câu hỏi thi đều đã được chuẩn hoá trước khi cho vào ngân hàng đề thi. Khi được cho vào ngân hàng, đề thi sẽ là một tổ hợp ngẫu nhiên các câu hỏi, không phải là đề thi của riêng thầy, cô nào cả. Trong quá trình chuẩn hoá, các câu hỏi có thể sẽ được thay đổi, được điều chỉnh. Ví dụ, với một câu hỏi mà tất cả thí sinh làm được (sẽ ít ý nghĩa trong đánh giá) sẽ bị loại. Hoặc một câu mà không một thí sinh nào làm được, cũng sẽ bị loại".

GS Minh khuyến cáo: "Với quy trình ra đề như trên, sẽ không có một thầy, cô nào chi phối được việc ra đề hay nắm giữ bí quyết đề thi. Nếu có ai quảng cáo như vậy (để thu hút học sinh học luyện thi) thì mong các em và các phụ huynh không tin".

Về việc vì sao chỉ tổ chức thi 2 nơi, ở Hà Nội và Quy Nhơn, GS Minh giải thích:

"Vì năm đầu tiên tổ chức kỳ thi độc lập nên chúng tôi tạm thời tổ chức tại 2 địa điểm, đủ để giúp cho thí sinh tránh phải đi lại quá xa. Tại TP.HCM chúng tôi không tổ chức thi, vì Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có kỳ thi đánh giá năng lực, chúng tôi đã thoả thuận là 2 trường sẽ sử dụng kết quả thi của nhau.

Sau này, khi điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi có thể sẽ tổ chức tại một số địa điểm khác, như: tỉnh Thái Nguyên, TP.Vinh (tỉnh Nghệ An), TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế)…".



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.