Để thành công trong ngành y, sinh viên phải làm gì?

Nguyên Trang
Nguyên Trang
03/11/2018 19:11 GMT+7

Sáng nay 3.11, tại Trường đại học Y dược TP.HCM đã diễn ra chương trình YouthSpeak UMP 2018. Tại chương trình, các diễn giả đã chia sẻ về trách nhiệm cũng như bí quyết để sinh viên ngành y có thể thành công trong nghề.

Chương trình có sự tham dự của Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hùng, Hiệu phó Trường ĐH Y dược TP.HCM; tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Phó trưởng bộ môn phụ sản Trường ĐH Y dược TP.HCM; chị Trần Thị Bảo Ngọc, Quản lý thẩm định từ Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam... và hơn 120 sinh viên ngành y dược trên địa bàn thành phố. Chương trình do AIESEC phối hợp với Trường ĐH Y dược TP.HCM tổ chức.
Luôn đi tiên phong, chấp nhận thách thức
Là một trong 4 diễn giả tham dự chương trình, tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, người đi tiên phong nghiên cứu thành công phương pháp nuôi dưỡng trứng trưởng thành trong ống nghiệm, giúp giảm 2/3 chi phí so với phương pháp thông thường chia sẻ: “Thời điểm trước khi nghiên cứu, rất nhiều người nói với tôi là phương pháp này khó lắm, có thể không thành công… nhưng tôi vẫn chấp nhận theo đuổi đến cùng. Tôi còn nhớ, năm 2000, lúc sang Nhật gặp ông Tako, chủ của trung tâm hiếm muộn ở Tokyo. Ông là một trong 100 tỉ phú của nước Nhật. Tôi có hỏi ông vì sao bác sĩ có thể trở thành tỉ phú. Ông chia sẻ bí quyết: Đầu tiên là Be First (hãy là người đầu tiên), luôn người đi tiên phong trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ có cơ hội thành công. Nếu không thể dẫn đầu thì nhớ đến cụm từ Be Big (làm thật lớn). Trung tâm của ông Tako thời điểm đó thực hiện 20.000 ca hiếm muộn mỗi năm. Điều thứ ba là Be Difference (dám khác biệt). Nhờ được truyền cảm hứng từ câu chuyện đó, tôi trở về Việt Nam và tập trung nghiên cứu phương pháp nuôi trứng non trưởng thành trong ống nghiệm. Đến nay, Việt Nam vẫn đang là nước dẫn đầu số lượng ca thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp này”.
Cũng trong chương trình, chị Vương Thị Ngọc Lan nhấn mạnh về trách nhiệm của người làm nghề y với cộng đồng. Chị chia sẻ bức thư của một em sinh viên sau khi trả lời sai về kiến thức trong cuộc thi cuối khóa. “Tôi rất mừng khi đọc thư của em sinh viên đó. Bạn đó xin lỗi không phải vì bị điểm kém mà là trách nhiệm, lỡ như trong ca trực, bệnh nhân đang cần cấp cứu, họ đâu có chờ bạn suy nghĩ để tìm ra câu trả lời. Em đã nhận ra được trách nhiệm của một người bác sĩ, lúc hành nghề cần phải vững kiến thức chuyên môn”.
Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ về trách nhiệm của người làm nghề bác sĩ với cộng đồng NT
Cô đề cao tinh thần trách nhiệm của người trẻ, đặc biệt là sinh viên y dược phải thấy được trách nhiệm của mình với gia đình, với cộng đồng xã hội, thấy được trách nhiệm của bản thân với công việc trong tương lai.
Chia sẻ của cô Lan đã nhận được sự đồng tình của nhiều sinh viên có mặt tại hội trường. Phạm Huy Tùng, sinh viên khóa 2016 chia sẻ: “Em rất thích phần trình bày của cô Lan. Khi nghe cô chia sẻ, mới hiểu được, thấy được vai trò của việc học tập trên lớp. Các kiến thức chuyên môn thầy cô truyền dạy có ảnh hưởng như thế nào. Từ đó em càng phải cố gắng chăm chỉ để luyện các kiến thức cho thật vững, biến thành kỹ năng chuyên môn. Bởi bệnh nhân không có thời gian chờ đợi bác sĩ suy nghĩ phương án trong trường hợp cấp cứu”.
Nên ra khỏi vùng an toàn
Trong chương trình, sinh viên Lâm Tú Hương đặt câu hỏi cho Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hùng: “Theo em thấy sinh viên Việt Nam giỏi kiến thức lâm sàng nhưng khi ứng dụng vào chuyên môn thì không phát huy được. Trong khi sinh viên y nước ngoài lý thuyết họ không giỏi bằng mình, họ khắc phục bằng cách về Việt Nam học, rồi ứng dụng vào trong thực hành. Họ thành công. Thầy có gợi ý gì để sinh viên ngành y Việt Nam có thể phát huy khả năng của mình, giỏi lý thuyết và giỏi nghề?”.
Từ phải qua trái: Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, tiến sĩ Trần Hùng, chị Trần Thị Bảo Ngọc NT
Trả lời cho câu hỏi của Tú Hương, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hùng chia sẻ: “Tôi luôn suy nghĩ, sao sinh viên trường mình đầu vào tốt, đầu ra cũng là top nhưng không thành công lắm trong nghề nghiệp. Khi đi học với bạn bè quốc tế, tôi cũng thấy trình độ lý thuyết của chúng ta hơn hẳn họ. Tuy nhiên, một đặc điểm ngăn cản chúng ta thành công không chỉ sinh viên Việt Nam mà cả sinh viên châu Á là sự e dè, không xông xáo, không dám bước ra khỏi vùng an toàn, ngại xông vào tìm hiểu khi mình chưa biết. Thử nhìn lại khi đi học, hoặc đi dự các hội thảo, sinh viên Việt Nam thường ngồi phía sau, hoặc chọn các góc khuất, đặt mình ở vị trí an toàn nhất. Trong khi đó, người nước ngoài sẽ chọn vị trí gần nhất, họ đặt các câu hỏi, thậm chí tiếp cận diễn giả, giảng viên để hỏi đến tận cùng vấn đề họ muốn biết...”.
Thầy Hùng chia sẻ thêm: “Nhìn lại bản thân, cái các bạn thiếu là sự kiên trì theo đuổi mục đích, luôn chọn con đường dễ dàng để làm. Chứ kiến thức giờ dễ tiếp cận với nhiều nguồn mở, kỹ năng thực hành có thể cải thiện. Nên chỉ cần thêm sự tự tin, quyết tâm, cứ nghĩ người ta làm được, mình cũng làm được. Tự tin vào bản thân mình sẽ giúp các bạn thành công”.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan cũng bổ sung thêm: “Khi giảng dạy, chúng tôi luôn khuyến khích các bạn sinh viên phát biểu trong lớp. Đừng sợ sai, vì từ cái sai, các bạn biết được đâu là đúng và ghi nhớ. Dám nói và chấp nhận rằng mình có thể sai, đó là những điều mình nên cố gắng thay đổi cách học tập, thay đổi bản thân mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.