Để niềm vui trọn vẹn

14/04/2022 04:19 GMT+7

Thu nhập của người lao động được cải thiện với nhiều tỉnh, thành có mức tăng rất cao, từ trên 30 - 50% so với quý trước có lẽ là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý 1 năm nay.

Bởi đằng sau con số thu nhập của người lao động là rất nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến "sức khỏe" của nền kinh tế. Đầu tiên có thể nhìn thấy ngay là thị trường lao động đã bình phục trở lại sau những tháng ảm đạm vì đại dịch. Chỉ số thất nghiệp giảm cho thấy hệ thống sản xuất kinh doanh đã phục hồi, nhu cầu tuyển dụng tăng cao, hoạt động của các doanh nghiệp hiệu quả hơn nên mức chi trả cho người lao động cũng tăng cao hơn. Thu nhập tăng thì cuộc sống của đại bộ phận người dân tốt hơn, họ sẽ mạnh tay hơn trong chi tiêu cá nhân. Khi đó, tổng cầu được kích hoạt, kéo tổng cung vào guồng... vòng quay sản xuất, phân phối, tiêu dùng trở lại và kinh tế sẽ tăng trưởng. Nguyên lý là thế.

Tuy nhiên ở tại thời điểm này, mọi cái không hoàn toàn như vậy. Đại dịch cộng thêm tác động từ chiến sự Nga - Ukraine khiến Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đã và đang phải hứng chịu cơn bão giá khốc liệt nhất từ xưa tới nay. Hầu hết các mặt hàng từ tương cà mắm muối, xăng dầu, vận chuyển, nguyên vật liệu xây dựng, lương thực - thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón... giá đều ở đỉnh lịch sử. Nó quét sạch thành quả thu nhập tăng nói trên. Trong bối cảnh đó, thuế thu nhập cá nhân không được điều chỉnh cũng góp phần khiến niềm vui tăng thu nhập chưa thực sự trọn vẹn. Thu nhập tăng mà ngưỡng thuế không được điều chỉnh sẽ gây thiệt thòi lớn cho người lao động vì số thuế phải đóng cao hơn. Chưa kể nhiều trường hợp tăng không bao nhiêu nhưng lại bị "nhảy" bậc thuế thì phần thực nhận, có khi còn ít hơn. Quan trọng nhất là ngưỡng thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu so với thu nhập của người dân cũng so với mặt bằng giá cả hiện nay.

Cũng xin đừng nói rằng, ở ngưỡng thu nhập này, thu nhập kia số tiền đóng thuế "rất nhỏ" như giải thích của Bộ Tài chính. Bởi nhỏ hay lớn còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình. Nếu không có ý nghĩa, chẳng ai muốn xếp hàng giữa nắng để đổ xăng trước giờ tăng giá chỉ để tiết kiệm vài chục ngàn đồng, thậm chí là vài ngàn cả.

Nếu vẫn chưa cảm thấy thuyết phục, hãy nhìn kết quả khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn để thấy rằng "rất nhỏ" của người này có thể là lớn với nhiều người khác. Cụ thể, năm 2021 có 21% người lao động ăn mì tôm nhiều hơn; 48% người lao động giảm lượng thịt hằng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen... Mới nhất là việc rất nhiều người lao động làm hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần diễn ra tại TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước. Tình trạng này xuất hiện từ năm 2021 kéo dài và tăng mạnh mới đây cho thấy, sức chịu đựng của nhiều người đã tới ngưỡng. Họ buộc phải ăn vào "của để dành". Chưa kể nếu nhìn trong tổng thể như vậy, thì đề xuất tăng lương tối thiểu quá khiêm tốn và việc trì hoãn thời điểm tăng lương cho người lao động là rất khó chấp nhận.

Hay nói cách khác, niềm vui thu nhập tăng sẽ trọn vẹn hơn nếu những sự bất hợp lý về thuế cũng như lương tối thiểu được giải quyết một cách đồng bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.