Dễ như 'sản xuất' luận văn sau đại học

31/08/2017 09:24 GMT+7

Nghiên cứu khoa học để lấy học vị giờ đã trở thành 'công nghệ' và công nghệ sản xuất luận văn, luận án đã trở nên chuyên nghiệp khiến những đóng góp về mặt khoa học đang trở thành vấn đề đáng báo động.

Chỉ cần thay đổi đối tượng nghiên cứu, còn lại thì giữ nguyên phương pháp, đánh giá tổng quan vấn đề và cả các kết quả khảo sát, một học viên cao học, thậm chí là một nghiên cứu sinh có thể cho ra đời một luận văn. Đó là chưa nói đến những đề tài nghiên cứu xem chừng rất vô bổ...
Nghiên cứu khoa học để lấy học vị giờ đã trở thành “công nghệ” và công nghệ sản xuất luận văn, luận án đã trở nên chuyên nghiệp khiến những đóng góp về mặt khoa học đang trở thành vấn đề đáng báo động.
Từ sản xuất hàng loạt...
P.H.T, giáo viên một trường THPT Hà Nội, vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Viện Văn học, Học viện Khoa học xã hội (KHXH) VN với đề tài "Nghệ thuật viết truyện ngắn của nhà văn X". T. cho biết mình chọn một tác giả quen thuộc được giảng dạy trong chương trình môn văn ở THPT vì lý do thuận tiện cho công việc sau này. Thầy hướng dẫn ban đầu e ngại vì tác giả đó quá cũ, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và nghiệp dư viết về tác giả ấy “nát” ra rồi nên luận văn sẽ không có tính mới, không hay. Nhưng rồi thầy cũng đồng ý. Thầy hướng dẫn chỉ lưu ý là tác giả luận văn phải tự chịu trách nhiệm về đề tài của mình, miễn làm sao cho hội đồng chấp nhận.
“Thực tế, khi ra hội đồng bảo vệ đề cương cũng chỉ yêu cầu phải chỉnh sửa một chút thôi. Khi trình bày đề cương thì chủ yếu là trình bày lý do chọn đề tài. Họ bảo là nó phục vụ thiết thực cho quá trình dạy học của mình sau này thì họ chấp nhận”, T. nói. Đề tài của T. đã được hội đồng thông qua dù với điểm số mà theo T. là "không được cao cho lắm".
Những luận văn, luận án được thông qua một cách dễ dàng dù "đã cũ" hay "đã được làm nát ra rồi" như của T. thực ra không phải hiếm, đặc biệt là ở các ngành KHXH.
PGS-TS Ngô Huy Cương, Chủ nhiệm bộ môn luật Dân sự, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định các đề tài luận văn thạc sĩ hiện nay thể hiện rõ nhất sự "dễ dãi và vô trách nhiệm" về chất lượng. "Các đề tài luận văn, luận án thì không được trùng nhau bởi nếu trùng nhau thì không còn gì gọi là đóng góp mới về mặt khoa học cả. Tuy nhiên, hiện nay, người ta vẫn lách bằng cách bê nguyên cả phương pháp, mô hình. Chẳng hạn đề tài trước làm “Chế định hôn nhân theo luật Hôn nhân - Gia đình năm 2000” thì nay người khác lại làm “Chế định hôn nhân theo luật Hôn nhân - Gia đình năm 2014” dù quy định chỉ lệch nhau một chút. Như vậy, luận văn hay luận án sẽ chẳng có đóng góp gì về lý luận hay tư duy về khoa học pháp lý cả", PGS-TS Ngô Huy Cương nói.
Thực tế, theo nhiều nhà khoa học, sự dễ dãi, đơn giản trong việc đào tạo cũng như thông qua đề tài luận văn là một chiêu để cơ sở đào tạo thu hút người học. Chẳng hạn như có một cơ sở đào tạo giáo viên của một ĐH lớn, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng trong thời gian ngắn đã đào tạo hàng loạt thạc sĩ.
Nhiều đề tài từng bị dư luận cho rằng chưa xứng tầm
… đến đạo văn
Công nghệ sản xuất các luận văn, luận án theo cùng một mẫu đang gây ra những "tai nạn" bất ngờ đối với cả người hướng dẫn lẫn hội đồng chấm luận văn, luận án.
Dư luận gần đây rộ lên sự việc "đạo văn" được cho là hy hữu tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội của học viên cao học Trần Văn Hải với đề tài luận văn thạc sĩ: “Phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về triết học ở Trường CĐ Cần Thơ”. Bảo vệ thành công từ đầu năm 2014 và được trường cấp bằng vào tháng 8.2015, tuy nhiên, đến tháng 5.2017, luận văn thạc sĩ của ông Hải bị phát hiện sao chép gần như toàn bộ nội dung của luận án tiến sĩ: “Phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về triết học ở các trường ĐH Hà Nội” của nghiên cứu sinh Bùi Thị Thanh Huyền bảo vệ trước đó vài tháng.

tin liên quan

Nhiều sai phạm trong đào tạo sau ĐH tại Học viện Khoa học xã hội
Theo nguồn tin của Thanh Niên, chiều ngày 25.8, Bộ GD-ĐT đã có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện (HV) Khoa học xã hội (KHXH), Viện Hàn lâm KHXH VN. 
Kiểm tra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, luận văn thạc sĩ của ông Hải chính là bản luận án tiến sĩ của bà Huyền được cắt đi chương 1, lược bỏ một số đoạn trong các chương khác. Vì vậy, toàn bộ kết quả khảo sát, phân tích số liệu của tác giả luận án tiến sĩ, được tiến hành tại các trường ĐH ở Hà Nội đã được ông Hải "bê" nguyên xi vào luận văn. Điểm khác duy nhất là, thay vì cụm từ "các trường ĐH ở Hà Nội” thành "Trường CĐ Cần Thơ".
Sự "hy hữu" trong sự việc này là ở chỗ, PGS-TS Đào Đức Doãn, khi đó là Trưởng khoa Lý luận chính trị và giáo dục công dân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là người hướng dẫn trực tiếp học viên Trần Văn Hải đồng thời cũng là thành viên hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của bà Bùi Thị Thanh Huyền!
Đầu ra cử nhân tệ dẫn đến đầu vào sau ĐH tệ
Chất lượng đầu ra của cử nhân hiện nay là nguyên nhân khiến đầu vào của các cấp học sau quá tệ. Trong khi đó, các thầy cô ở cơ sở đào tạo thấy học viên không thể làm được vì quá kém nhưng cũng xuề xòa cho qua.
PGS-TS Ngô Huy Cương (Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Thầy vì tiền, còn trò để đáp ứng mục đích khác ngoài khoa học
Hiện nay, có nhiều người không biết làm gì, đang thất nghiệp thì đi học thạc sĩ thậm chí tiến sĩ chơi. Có nhiều người lại học để cho đủ bằng cấp trang trải cho mục đích riêng. Với đối tượng như vậy thì khó có thể đảm bảo chất lượng được. Còn thầy hướng dẫn mà cùng lúc hướng dẫn tới 44 học viên cao học thì chỉ có vì tiền thôi chứ ai đủ sức hướng dẫn số lượng học viên lớn như vậy. Chưa kể một người hướng dẫn 3 - 4 lĩnh vực khác nhau. Tôi cho rằng, thầy thì tệ nhất là hướng dẫn vì tiền còn trò tệ nhất là học vì đáp ứng những thứ ngoài khoa học.
GS Trần Ngọc Vương (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Ai cũng có thể học được
Chúng ta đang quá dễ dãi với đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Ngày nay thì ai cũng có thể học được và mục đích học là rất khác nhau: học để xin việc, học để đạt “chuẩn”, học để chuyển công tác hoặc để được đề bạt... Nghĩa là có rất nhiều lý do để đi học. Như thế thì chất lượng khoa học của luận án, luận văn đương nhiên sẽ giảm sút.
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH VN)
Lỗi của cả hệ thống
Việc đào tạo sau ĐH hiện nay còn tùy tiện nên chất lượng kém. Lỗi là do ở các thầy, nhưng cũng tại cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo không nhận người ta vào học thì dạy ai? Chỉ tiêu ít thì không sống được. Một trường ĐH mở ra một chuyên ngành đào tạo mà chỉ có vài ba học viên đến học thì không tồn tại được. Nó là vòng luẩn quẩn, là lỗi của cả hệ thống.
Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Luận văn, luận án phải có cái mới
Theo GS Trần Đình Sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tiến sĩ là cấp đào tạo người nghiên cứu có trình độ cao mà kết quả đầu ra thể hiện ở chất lượng luận án. Vì thế, luận án tiến sĩ phải là kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn, có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn vấn đề đặt ra của đề tài. “Đề tài nghiên cứu phải mới với phương pháp mới, cách tiếp cận mới, và cho ra kết quả mới. Những cái mới đó trước hết được thể hiện trong các bài báo được công bố trên các tạp chí có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu. Bài báo chính là thành quả khoa học để được người khác trích dẫn, dựa vào đó để tiếp tục nghiên cứu, càng nhiều người trích dẫn bài báo càng có giá trị. Trên kết quả nghiên cứu, sẽ viết thành luận án. Cho nên linh hồn của luận án chính là các bài báo”, GS Sử nói.
GS Sử cho rằng luận văn thạc sĩ thì yêu cầu thấp hơn, bởi nó phần lớn thể hiện sự hiểu biết về các lý thuyết của học viên, từ đó ứng dụng vào một lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên đào tạo thạc sĩ hiện có 2 loại, thạc sĩ chương trình định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Với thạc sĩ chương trình theo định hướng nghiên cứu thì luận văn phải là một báo cáo khoa học, có đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật hoặc có kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự thuộc chuyên ngành đào tạo. Còn luận văn của chương trình theo định hướng ứng dụng là một báo cáo chuyên đề kết quả nghiên cứu giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoặc báo cáo kết quả tổ chức, triển khai áp dụng một nghiên cứu lý thuyết, một mô hình mới... trong lĩnh vực chuyên ngành vào thực tế.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.