Đệ nhất phu nhân 'mờ ảo' của Ai Cập

16/08/2015 09:15 GMT+7

(TNTS) Hai nhân vật nữ nổi bật nhất tại lễ khánh thành kênh đào Suez mở rộng ngày 6.8 vừa qua là đương kim đệ nhất phu nhân Ai Cập, Entissar Amer El-Sisi và người tiền bối - bà Jehan Sadat.

(TNTS) Hai nhân vật nữ nổi bật nhất tại lễ khánh thành kênh đào Suez mở rộng ngày 6.8 vừa qua là đương kim đệ nhất phu nhân Entissar Amer El-Sisi và người tiền bối - bà Jehan Sadat. 40 năm khoảng cách giữa hai đệ nhất phu nhân phần nào khắc họa những thăng trầm của phụ nữ ở đất nước còn khá bảo thủ này.

Đệ nhất phu nhân của Ai Cập 1Entissar Amer El-Sisi
Từ hướng ngoại
Người dân xứ sở kim tự tháp bắt đầu nghe đến tước danh đệ nhất phu nhân đầu thập niên 1970 khi Anwar Sadat trở thành tổng thống và xuất hiện cùng với vợ là Jehan Sadat, còn trước đó phu nhân của các nguyên thủ khác gần như “xa lạ” với công chúng. Và không hổ danh là người tiên phong, bà Sadat luôn năng động với các hoạt động xã hội cũng như thúc đẩy nữ quyền suốt 11 năm cho đến khi chồng bà bị ám sát năm 1981.
Người phụ nữ luôn là ủng hộ viên số 1 trong sự nghiệp chính trị của chồng không bao giờ ngừng việc học. Gần 6 năm sau cái ngày đen tối ấy, bà Sadat nhận tấm bằng tiến sĩ văn chương của Đại học Cairo ở tuổi 53. Phụ nữ ở nước này chắc hẳn sẽ không bao giờ quên những đạo luật, thường được gọi là “Luật của Jehan”, mà bà góp phần thúc đẩy bởi nhờ đó mà họ được trao thêm nhiều quyền, chẳng hạn quyền được hưởng tiền cấp dưỡng từ chồng và được nuôi con sau khi ly dị.
Vợ góa của cố Tổng thống Anwar Sadat đến nay vẫn là “Người phụ nữ của Ai Cập” (tên cuốn sách bà xuất bản năm 1987). Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, bà Sadat 80 tuổi đã không ngại chỉ trích các chính sách của Mỹ và ngưng việc thỉnh giảng tại các đại học Mỹ.
Đệ nhất phu nhân của Ai Cập 2Naglaa Mahmoud
Hậu sinh khả úy - đó là trường hợp của người kế nhiệm, bà Suzanne Mubarak. Đây là 2 đệ nhất phu nhân nổi tiếng nhất của Ai Cập cho đến nay. Giữa họ có điểm tương đồng lớn: sinh ra và lớn lên trong gia đình thượng lưu, lấy chồng (lúc còn rất trẻ, 16 và 17 tuổi) là những sĩ quan quân đội có xuất thân gia đình khiêm tốn nhưng đều trở thành tổng thống, và đều là những bậc nữ nhân có vai vế trong đời sống chính trị nước này.
Kẻ tám lạng người nửa cân, nhưng có vẻ người đến sau bà Mubarak phần nào “trội” hơn, do thời gian trị vì lâu hơn - 30 năm. Người phụ nữ mang trong mình một phần dòng máu Wales cũng sở hữu nhiều bằng cấp, trong đó có bằng thạc sĩ xã hội học. Nếu bà Sadat là người quan sát và lắng nghe để định hướng hình ảnh trước công chúng và làm nhẹ những mối quan hệ căng thẳng thì bà Mubarak nổi tiếng là người can thiệp sâu vào các quyết định của chồng. Nếu bà Sadat để lại di sản là “luật của Jehan” thì bà Mubarak từng có thời nắm trong tay nhóm “các bộ trưởng của Suzanne” bởi bà, chứ không phải Tổng thống Hosni Mubarak, là người chọn lựa.
Đệ nhất phu nhân của Ai Cập 3Jehan Sadat
Đến hướng nội
Sự kiện đầu tiên trong vai trò Đệ nhất phu nhân của bà Entissar Amer El-Sisi là chuyến thăm người phụ nữ bị tấn công tình dục ở Quảng trường Tahrir (Cairo), một thời gian ngắn sau khi chồng bà trúng cử. Chính ông Abdel-Fattah El -Sisi cũng đến bệnh viện thăm nạn nhân này và nói lời xin lỗi đến cô nói riêng cũng như những phụ nữ Ai Cập từng bị lạm dụng tình dục. Ông El-Sisi cũng cam kết áp dụng các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn tình trạng này.
Hành trình của chức danh không chính thức này bị gián đoạn một năm trước khi Tổng thống Mohamed Morsi lên nắm quyền năm 2012. Bắt đầu từ đây, hình ảnh đại diện của phụ nữ Ai Cập thay đổi theo một hướng hoàn toàn khác, có phần tụt hậu.
Bởi tiếp sau hơn 4 thập niên của những đệ nhất phu nhân hiện đại là một phụ nữ ăn mặc kín đáo với chiếc khăn choàng dài, không trang điểm và có trình độ học vấn khiêm tốn. Những người tiến bộ lo sợ hình ảnh bà Naglaa Mahmoud còn là điềm báo trước cho sự trở lại của chủ nghĩa giáo điều cực đoan mà ở đó tổ chức Hồi giáo Anh em sẽ thu hết lại những quyền hiện tại của phụ nữ và buộc họ phải mang mạng che mặt hoặc khăn choàng trùm kín người. Bởi chồng bà từng là một thành viên cốt cán của tổ chức này.
Bà Naglaa Mahmoud từ chối chức danh đệ nhất phu nhân và muốn được gọi là Umm Ahmed (mẹ của Ahmed - con trai đầu) theo truyền thống. Tuy nhiên thời gian tại vị của Tổng thống Morsi chỉ vỏn vẹn một năm nên dự định của bà Naglaa Mahmoud trở nên dang dở. Bà từng nói nếu chọn sự nghiệp cho mình thì bà sẽ tập trung vào cuộc sống chật vật của dân thường. Ít nhiều bà cũng để lại ấn tượng đẹp trong suy nghĩ của phụ nữ khi từng nói: “Cách đây 30 năm, xã hội chấp nhận một giáo sư đại học lấy một người vợ không học hành đàng hoàng. Các cô gái này ngay phải cùng chồng xây dựng gia đình bằng cách làm việc. Họ cũng phải học hành nghiêm túc”.
Rồi chiếc ghế đệ nhất phu nhân lại bị bỏ trống một năm đến khi người lật đổ chồng bà Naglaa Mahmoud lên nắm quyền. Vợ của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi lại là một phiên bản của bà Naglaa, thậm chí còn bí ẩn hơn rất nhiều. Lần đầu tiên bà Entissar Amer el-Sisi xuất hiện trước công chúng sau khi chồng bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng tháng 8.2012 là một buổi lễ vào đầu năm 2014 dành cho các sĩ quan quân đội về hưu. Rồi đầu năm 2014 thêm một lần bà xuất hiện là khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống. Bà mang khăn trùm hijab, ngồi lặng yên bên cạnh chồng. Còn chồng bà trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã kể về chuyện tình của cuộc đời mà không hề gọi tên bà: “Tôi yêu cô ấy khi học cấp 2. Tôi hứa sẽ cầu hôn cô ấy xong cấp 2. Chúng tôi lấy nhau sau khi tôi tốt nghiệp Học viện Quân sự năm 1977”.
Đệ nhất phu nhân của Ai Cập 4Suzanne Mubarak
Thậm chí ngày sinh của đệ nhất phu nhân đương thời này cũng mù mờ. Nhiều người cho rằng bà Entissar Amer tầm U.60 và là một người toàn tâm toàn ý làm vợ, làm mẹ. Cũng giống như “người tiền nhiệm” Naglaa Madmoud, bà và chồng là bà con với nhau. Họ có với nhau 3 trai, 1 gái. Trong 3 người con trai thì một người làm ngành tình báo, một người làm kỹ sư dầu khí và một làm quản lý nhà nước, còn cô con gái Aya mới tốt nghiệp Học viện Hải quân.
Theo các nguồn tin, đệ nhất phu nhân không thích xuất hiện trên truyền thông, trừ khi cần thiết và tin rằng vai trò của phụ nữ là đứng sau giúp đỡ chồng con. Chồng bà được xem là người lấy được số phiếu bầu lớn nhất từ cử tri nữ khi liên tục đề cao họ: “Tôi có một giấc mơ lớn cho Ai Cập và điều đó sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ của phụ nữ”.
Và ông đã đạt được mong muốn của mình khi lên làm tổng thống. Nhưng đối với các bà vợ, sự bình yên vẫn là mong mỏi lớn nhất của họ bởi các đệ nhất phu nhân từ thời bà Sadat phải chịu đựng những cái kết bất ngờ. Bà Jehan đau khổ khi chồng bị sát hại. Bà Mubarak chứng kiến chồng bà - người trị vì lâu nhất ở Ai Cập, phải nhượng bộ từ chức sau 18 ngày nổ ra các cuộc biểu tình phản đối. Bà Naglaa Mahmoud không làm được gì giúp chồng kéo dài thời gian đương nhiệm khi ông bị lật đổ. Còn với bà Entissar, mọi chuyện còn ở phía trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.