Đề nghị quy định đất chung cư có niên hạn để giảm giá nhà

05/06/2023 14:56 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khái niệm sở hữu đang là vĩnh viễn, nhưng nhà chung cư chỉ có tuổi đời 50 - 70 năm, điều này gây ra mâu thuẫn khi cải tạo lại nhà chung cư.

Sáng 5.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Nhà ở sửa đổi. Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức (Hà Nội), cho biết ở nhiều nước, tỷ lệ nhà ở có niên hạn sử dụng chiếm 70%, nhà ở lâu dài chiếm 30%. 

Xu hướng vợ chồng trẻ ở đô thị hiện nay cũng muốn sở hữu nhà có niên hạn hơn là tài sản mang tính kế thừa. Vì thế, đại biểu này ủng hộ quy định chung cư có niên hạn.

'Đất xây chung cư không nên sở hữu vĩnh viễn, mà chỉ thuê 50 - 70 năm' - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức (Hà Nội)

GIA HÂN

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cũng đồng tình với dự thảo cũ của Bộ Xây dựng theo hướng chung cư phải có thời hạn của công trình. Trong trường hợp chung cư hết thời hạn, kiểm định vẫn tốt thì tiếp tục sử dụng, còn không đảm bảo thì phá dỡ.

Theo ông Cường, nhà chung cư sở hữu dài hạn có giá 40 triệu đồng/m2, nhưng nếu chỉ sở hữu 50 năm, giá chỉ 30 triệu đồng/m2. "Giá chênh lệch rất nhiều như vậy thì ai là người hưởng lợi? Quy định như hiện nay thì chính chủ đầu tư hiện nay là đơn vị được hưởng lợi. Trước đây dự thảo đưa ra thời hạn, nhiều ý kiến phản đối vì lợi ích của chủ đầu tư", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.

Từ phân tích này, ông Cường đề xuất đất dành xây dựng nhà chung cư không nên có "sổ đỏ" vĩnh viễn, mà là đất thuê có thời hạn 50 - 70 năm. Nếu quy định như vậy, tiền thuê đất sẽ rẻ hơn rất nhiều, từ đó, người mua nhà sẽ được hưởng lợi.

Góp ý cho nội dung cải tạo nhà chung cư cũ, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về thủ tục di dời cư dân ra khỏi khu dân cư nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ, cho đến quy định lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đồng thời, quy định thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi đã lựa chọn được các chủ đầu tư...

"Hiện trạng chung cư Việt Nam chưa có sự phân tích, đánh giá tổng thể mức độ xuống cấp, nguy hiểm cần phải sửa chữa và những khu chung cư có nguy cơ sụp đổ không thể sửa chữa được. Chúng tôi rất chú ý việc lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư", bà Sửu nêu và đề xuất nên quy định hình thức lựa chọn chủ đầu tư là chỉ định hay đấu thầu. 

'Đất xây chung cư không nên sở hữu vĩnh viễn, mà chỉ thuê 50 - 70 năm' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế)

GIA HÂN

Chung cư chỉ nên có niên hạn 50 - 70 năm?

Đại biểu Lê Trường Lưu (đoàn Thừa Thiên - Huế) cũng bày tỏ băn khoăn khi luật chưa nói đến sở hữu nhà chung cư vĩnh cửu hay có thời hạn. 

"Theo tinh thần của luật này, ta nêu khái niệm sở hữu thì sở hữu vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhà chung cư có tuổi đời 50 - 60 - 70 năm tùy theo tiêu chuẩn. Và chính ở khâu đó xảy ra mâu thuẫn khi chúng ta cải tạo lại nhà chung cư", ông Lưu nêu. 

Cụ thể theo đại biểu, về giá, khi muốn cải tạo thì chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường. Nếu như định giá theo thị trường nhưng một số căn hộ người dân không chấp nhận thì thế nào? Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người dân không đồng thuận. 

Thống nhất với quy định vùng lõi đô thị đều phải xây dựng nhà chung cư, đại biểu này dẫn thực tế tại nước ngoài, nhiều đô thị quy hoạch cả trăm năm rồi nhưng bài bản, chủ yếu xây dựng nhà chung cư cho thuê hoặc bán; trong khi ở Việt Nam, chỉ một số khu vực và tập trung ngoại ô, còn trong nội đô thì nhà dân và các loại hình khác xây dựng nhà đủ loại hình thức, tạo ra cảnh quan đô thị không đẹp lắm.

Ông Lưu cho rằng cần quy định một số khu vực cụ thể để địa phương không bị bó buộc khi thực hiện. Ngoài ra, những nội dung liên quan luật Đất đai nếu đưa vào luật này, liên quan đất đai thì chuyển sang luật Đất đai, sau này triển khai đỡ vướng mắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.