Đề nghị làm rõ nhiều vấn đề trong huy động nguồn lực chống dịch Covid-19

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/03/2023 18:18 GMT+7

Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị các bộ, ngành làm rõ nhiều vấn đề về huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trong 3 năm qua.

Ngày 13.3, đoàn giám sát của Quốc hội về các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 bắt đầu cuộc giám sát trực tiếp kéo dài 2 ngày với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Đề nghị làm rõ nhiều vấn đề trong huy động nguồn lực chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, phát biểu tại cuộc làm việc

QUOCHOI.VN

Tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát, cho hay thời gian qua, đoàn giám sát đã thực hiện giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành.

Các cuộc giám sát đã cho thấy bức tranh về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, phát hiện những vấn đề nổi lên, trong đó có nhiều nội dung được địa phương kiến nghị tháo gỡ vướng mắc.

Ông Định đề nghị các thành viên đoàn giám sát tập trung nghiên cứu thêm việc "hậu sử dụng" nguồn lực, như việc lập các bệnh viện dã chiến, xây hàng rào, trang bị camera giám sát… vì quy định thành lập thì có nhưng không có quy định về giải thể, bàn giao tài sản. Do đó, nếu không cẩn thận sẽ dễ biến người có công thành có tội.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần làm rõ chính sách huy động nguồn lực nào phù hợp, chính sách nào chưa phù hợp; có hay không tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chậm triển khai thực hiện; tình trạng thiếu chính sách, chính sách thiếu quy định cụ thể dẫn tới việc thực hiện thiếu thống nhất, tùy tiện, lợi dụng sơ hở của chính sách để trục lợi dẫn tới nhiều cán bộ vi phạm phải xử lý…

Nêu ý kiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh, thành viên đoàn giám sát, cho rằng việc việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng bộc lộ nhiều bài học cần rút kinh nghiệm như chất lượng, nguồn gốc, giá trị, xác lập quyền sở hữu tài sản…

"Nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều cấp, nhiều ngành huy động xã hội nhưng liệu việc huy động đã gắn với nhu cầu thực sự hay chưa, nguồn lực huy động đã đến tay các đối tượng cần hỗ trợ, chất lượng của các sản phẩm được hỗ trợ như thế nào?", bà Chinh nêu.

Các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo rõ hơn về việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ 2% lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp.

Đề nghị làm rõ nhiều vấn đề trong huy động nguồn lực chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, việc chuyển Quỹ vắc xin Covid-19 cho chương trình tiêm chủng mở rộng là cần thiết

QUOCHOI.VN

Đối với Bộ TT-TT, thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ hiệu quả của chương trình Sóng và máy tính cho em; kết quả việc phủ sóng các vùng lõm về viễn thông vì có thực tế cấp máy tính bảng nhưng không có mạng internet để sử dụng.

Một số ý kiến thành viên đoàn giám sát băn khoăn về nguồn lực huy động trên 186.000 tỉ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là rất lớn nhưng chưa báo cáo rõ việc chuyển nguồn đối với số tiền chưa sử dụng.

Cho rằng việc chuyển Quỹ vắc xin Covid-19 sang chương trình tiêm chủng mở rộng là cần thiết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời điểm nào tuyên bố hết dịch Covid-19, thời điểm nào hoàn thành việc tiêm vắc xin…

Cuộc giám sát sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội dự kiến báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, diễn ra tháng 5 tới. Theo kế hoạch, đoàn dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 bộ, ngành và 12 địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.