Đề nghị làm rõ hậu quả đi kèm khi xóa tư cách cán bộ nghỉ hưu

Vũ Hân
Vũ Hân
10/06/2019 09:01 GMT+7

Rất nhiều đại biểu vẫn “luyến tiếc” hình thức kỷ luật giáng chức, với lý do từ giám đốc sở chẳng hạn, mà cách chức luôn về chuyên viên là rất... phí.

Nhiều đại biểu vẫn lưu luyến hình thức giáng chức

Việc luật hóa quy định kỷ luật cán bộ về hưu vẫn gặp nhiều khó khăn khi một số đại biểu cho rằng việc xóa tư cách là khiên cưỡng và chưa rõ hậu quả đi kèm với những người bị kỷ luật.  Những gì cơ quan soạn thảo dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức còn lúng túng, thì ra đến Quốc hội, ý kiến cũng hết sức khác nhau.
Bằng chứng là 4 nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội đều chưa ngã ngũ về phương án chọn. Tại báo cáo giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội sau phiên thảo luận tổ ngày 24.5, Bộ Nội vụ cho biết do ý kiến các vị đại biểu quá khác nhau, nên Bộ này sẽ đợi ý kiến đại biểu sau buổi thảo luận hội trường sáng nay, 10.6, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cụ thể về các phương án để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thức 8
4 vấn đề gây băn khoăn nhất là: về đối tượng là công chức; về không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức (mà cách chức luôn nếu vi phạm vượt qua mức hạ bậc lương); về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới (hay chấm dứt viên chức suốt đời); và về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Thảo luận tại tổ, rất nhiều đại biểu vẫn “luyến tiếc” hình thức kỷ luật giáng chức, với lý do từ giám đốc sở chẳng hạn, mà cách chức luôn về chuyên viên là rất... phí.
Đơn cử, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hoàng Văn Trà (đại biểu đoàn Phú Yên), cho rằng giữ hình thức này là cần thiết, tuy thực tế áp dụng rất ít.
“Một đồng chí đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng được, thì giáng xuống làm cấp phó hoặc xuống trưởng phòng. Chứ bây giờ vi phạm trên mức cảnh cáo mà cách chức, từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất là phí về phẩm chất chuyên môn”, ông Trà nói.
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức vì có những vi phạm không đến mức phải cách chức toàn bộ. “Với những vi phạm nhỏ thì đang là trưởng phòng giáng chức xuống phó phòng thôi. Tất nhiên là nếu còn chỗ. Nhất thiết gì phải cách chức, mất đi cả quá trình người ta phấn đấu”, đại biểu Thành nói.
Tuy nhiên, có quan điểm ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng không nên giữ hình thức giáng chức, vì nếu anh không còn xứng đáng nữa thì phân công người khác. 

Xóa tư cách cán bộ nghỉ hưu đi kèm hậu quả gì?

Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu - điều khoản đã gây tranh cãi rất nhiều thời gian gần đây, qua tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu tán thành việc bổ sung quy định vào luật.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị quy định rõ hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đi kèm theo hậu quả nào; ví dụ như tước quyền lợi khi đương chức được hưởng (kể cả xét khen thưởng) hoặc trong thời gian đảm nhiệm chức vụ (như hưởng phụ cấp là 1.0) mà vi phạm thì bị phạt tiền.
Có ý kiến cho rằng việc quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là không rõ ràng, khiên cưỡng.
Một số đại biểu đề nghị làm rõ đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu thì ai là người có thẩm quyền ký quyết định khiển trách, quyết định cảnh cáo, vì người đã nghỉ hưu không bị điều chỉnh bởi luật này nữa.
Ý kiến khác lại cho rằng không nên quy định điều đó trong luật này, vì người nghỉ hưu họ không còn là cán bộ, công chức nữa.
Quan trọng hơn, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản, quyết định hành chính được cán bộ, công chức ký trong thời gian bị xóa tư cách, vì điều này sẽ gây rất nhiều hệ lụy về pháp lý sau này.
Một số đại biểu gợi ý quy định theo hướng nếu văn bản đó đúng thì tiếp tục có hiệu lực, văn bản đó xuất phát từ hành vi vi phạm bị kỷ luật thì không còn hiệu lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.