Đề nghị không đưa trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây vào luật Viễn thông

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/06/2023 10:45 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề xuất cân nhắc quản lý phù hợp với dịch vụ OTT, không đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây vào luật Viễn thông sửa đổi. Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc quy định là để tạo môi trường pháp lý rõ ràng, thuận lợi, doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ về dự án luật Viễn thông sửa đổi phục vụ phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, 22.6.

Không phù hợp cam kết quốc tế

Báo cáo của Bộ trưởng TT-TT cho hay một số ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ, phân biệt, phạm vi điều chỉnh của luật Viễn thông với luật Giao dịch điện tử, luật Công nghệ thông tin…

Đề nghị không đưa trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây vào luật Viễn thông - Ảnh 1.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trình Quốc hội dự án luật Viễn thông sửa đổi hôm 2.6

GIA HÂN

Một số ý kiến ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và OTT viễn thông để có chính sách, phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các lợi ích mà các dịch vụ thuộc lĩnh vực mới mang lại cũng như phù hợp với cam kết quốc tế.

Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.

Theo đó, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc luật Viễn thông quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là không phù hợp với các cam kết quốc tế.

Vì việc thay đổi phân loại hai dịch vụ này từ nhóm dịch vụ công nghệ thông tin, thông tin sang nhóm dịch vụ viễn thông sẽ áp đặt các hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (hạn chế về vốn đầu tư và các điều kiện tiếp cận thị trường). Điều này dẫn đến vi phạm cam kết quốc tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP.

Cùng đó, việc quy định như dự thảo tạo nên những hạn chế về rào cản pháp lý, tăng thủ tục hành chính đối với loại hình dịch vụ này và giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư.

Hiện nay, chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới (như Trung Quốc, Thái Lan và Ai Cập) đang quy định phân loại các dịch vụ này như dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên ngoại trừ Trung Quốc thì không có nước nào áp đặt các hạn chế về vốn đầu tư.

Sẽ quy định theo hướng quản lý nhẹ

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ TT-TT sẽ báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy định của luật theo hướng quản lý nhẹ (light touch) các dịch vụ trên.

Ông Hùng giải thích, thị trường dịch vụ OTT viễn thông có tính cạnh tranh cao, thị trường tự điều tiết mạnh nên mức độ quản lý nhà nước chỉ nên vừa đủ để không gây cản trở sự tham gia cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

Còn đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, đây là các hạ tầng dịch vụ thực hiện lưu trữ và xử lý dữ liệu.

Theo kinh nghiệm quốc tế thì việc quản lý các dịch vụ này nhấn mạnh vào vấn đề bảo vệ dữ liệu. Do đó, về khía cạnh quản lý các dịch vụ này trong pháp luật viễn thông (quản lý tiếp cận thị trường, điều kiện kinh doanh, chất lượng,…) thì có thể xem xét cách tiếp cận quản lý nhẹ để thúc đẩy phát triển.

Với đề nghị không đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây vào luật Viễn thông sửa đổi lần này, ông Hùng cho hay, luật Đầu tư đã xác định trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song chưa có các quy định chuyên ngành điều chỉnh để làm rõ điều kiện kinh doanh và khung pháp lý điều chỉnh hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ này.

Luật Viễn thông điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để tạo môi trường pháp lý rõ ràng, thuận lợi, doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế. Bảo vệ quyền lợi người sử dụng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là vấn đề lớn, cần được thể chế hóa.

Ông Hùng khẳng định, nhiều nước trên thế giới đã có văn bản quy định ở các mức khác nhau để quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu,điện toán đám mây. Do đó, luật Viễn thông quy định quyền, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây về bảo đảm quyền lợi của người sử dụng và bảo đảm an ninh.

Cạnh đó, ông Hùng cũng lý giải, nhu cầu sử dụng điện cho phát triển trung tâm dữ liệu rất lớn. Do đó, dịch vụ trung tâm dữ liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Viễn thông để đưa vào Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.

Quy hoạch viễn thông quốc gia sẽ quy hoạch các khu vực đáp ứng yêu cầu về nguồn điện cho các doanh nghiệp đầu tư trung tâm dữ liệu, khuyến khích phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.