Đề nghị cho người dân tiếp cận vốn xóa đói giảm nghèo để không vay 'nóng'

08/12/2021 15:11 GMT+7

Các đại biểu HĐND TP.HCM đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở KH-ĐT vì sao trong kế hoạch bố trí vốn năm 2022 chưa phân nguồn cho giảm nghèo và giải quyết việc làm, trong khi nhiều người đang rất cần vay vốn sau dịch Covid-19 .

Sáng 8.12, kỳ họp thứ tư của HĐND TP.HCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai.

Tại phiên chất vấn Sở KH-ĐT TP.HCM, các đại biểu đã gửi gắm ý kiến của cử tri về các vấn đề đầu tư công, bố trí vốn. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú nêu ý kiến về chương trình xóa đói giảm nghèo.

Theo đó, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết và UBND TP.HCM đã ban hành quyết định để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mỗi năm bố trí khoảng 1.200 tỉ đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Trong năm 2021, dự trù bố trí 1.088 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa bố trí vốn. Đồng thời, trong kế hoạch vốn năm 2022 cũng không thấy có bố trí vốn cho chương trình này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú nêu ý kiến tại phiên chất vấn Sở KH-ĐT

sỹ đông

"Chương trình dự kiến thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên trong 2 năm liên tục chưa được bố trí vốn thì liệu có được thực hiện hay không?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú nói.

Vấn đề này cũng được đại biểu Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM quan tâm. Ông Đạt cho hay: "Thực tế cần đảm bảo các đối tượng không bị ảnh hưởng quyền lợi về vay vốn trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng trong bố trí kế hoạch vốn năm 2022 và thời gian tới không thấy bố trí nguồn vốn về quỹ phát triển nhà ở, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ hỗ trợ nông dân. Đề nghị Sở KH-ĐT cho biết rõ hơn, với trách nhiệm tham mưu với UBND TP.HCM, việc bố trí quỹ này như thế nào?".

TP.HCM thừa nhận lúng túng trong việc hỗ trợ người dân giữa đại dịch Covid-19

Sẽ rà soát, sắp xếp lại rồi mới phân bổ vốn

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM cho hay, theo Nghị quyết 27 của Quốc hội, chủ trương cho Thủ tướng Chính phủ thông qua dự án đầu tư công, trong đó có dự án xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Căn cứ vào đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định về kế hoạch soạn thảo, cụ thể chương trình. "Hiện nay, TP.HCM cũng đang xây dựng chương trình này, Sở KH-ĐT đã có 2 báo cáo UBND TP.HCM để bố trí xây dựng, kế hoạch vốn cho chương trình xóa đói giảm nghèo", bà Lê Thị Huỳnh Mai nói.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM

sỹ đông

Bà Nguyễn Thị Việt Tú phản hồi: "Tuy nhiên, tôi thắc mắc, năm 2021 với nguồn vốn 1.088 tỉ đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo có thực hiện được hay không. Năm 2022, thì vẫn còn xem xét. Tôi mong muốn TP.HCM làm sao đó có giải pháp để nguồn vốn này được gần hơn, nhanh hơn đến người dân. Vì hiện nay, cuộc sống rất khó khăn, người dân phải đi vay nóng, ảnh hưởng cuộc sống".

Đại biểu Nguyễn Văn Đạt cũng nói: "Việc sắp xếp lại theo chỉ đạo của Thủ tướng cần có lộ trình. Nếu như thế, toàn bộ đối tượng bị ảnh hưởng, khi không tiếp cận được nguồn vốn này thì ai chịu trách nhiệm? Nếu chúng ta chậm trễ bố trí nguồn vốn, không có lộ trình rõ ràng thì các đối tượng khi nào mới tiếp cận?".

Trước ý kiến phản hồi của các đại biểu, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM thông tin thêm, vừa qua, việc chấn chỉnh, rà soát các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, không chỉ riêng tại TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành khác.

Cụ thể, tháng 7.2021, Bộ Tài chính có Thông tư 61/2021 có quy định rõ, đề nghị trong giai đoạn 2022 sắp tới, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách báo cáo việc rà soát, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả để thực hiện đúng luật Ngân sách 2015 cũng như các nội dung liên quan đến hoạt động các quỹ này.

Cũng theo Thông tư 61 của Bộ Tài chính, việc rà soát các quỹ này phải được thực hiện ngay năm 2022. Như thế, TP.HCM đang trong quá trình rà soát và trong năm nay phải rà soát xong.

"Theo tiến độ rà soát, nếu quỹ nào đáp ứng được yêu cầu pháp lý, thì TP.HCM sẽ bố trí ngay số vốn dự kiến bố trí, đáp ứng ngay các nhu cầu của các đối tượng sử dụng như quỹ phát triển nhà ở, quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ bảo vệ môi trường", bà Mai nói và cho biết thêm: "Hiện nay, chúng ta báo cáo với Quốc hội thì những đối tượng, những khoản chi có trường hợp bị trùng lắp nên cần rà soát, bố trí. Đây là biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng đồng vốn vào đầu tư công hợp lý, tránh trùng lắp đối tượng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.