Đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của 24 dự án giao thông trọng điểm chậmtrễ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/02/2021 10:32 GMT+7

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tác động việc 24 dự án giao thông trọng điểm chưa hoàn thành, trong đó đang triển khai thi công 12 dự án và đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai 12 dự án.

Sáng 23.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 53 cho ý kiến báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ với sự tham gia của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, như báo cáo đã nêu.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn ra 9 vấn đề về kết quả công tác của Chính phủ cần được bổ sung, hoàn thiện trong báo cáo.
Đơn cử, liên quan cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này.
Theo ông Tùng, việc tăng thứ bậc xếp hạng toàn cầu như Chính phủ nêu là hết sức tích cực (ví dụ về xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 20 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 3 bậc...), nhưng so sánh với các nước ASEAN thì vẫn xếp thứ 5 hoặc 6, và việc này cần làm rõ.

24 dự án giao thông trọng điểm chưa hoàn thành

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phải làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục; bổ sung phân tích, đánh giá việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông so với yêu cầu về tiến độ trong Nghị quyết số 63 năm 2018 của Quốc hội.
Theo đó, báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết, hiện nay, còn lại 24 dự án chưa hoàn thành, trong đó đang triển khai thi công 12 dự án và đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai 12 dự án.
Cụ thể, các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư bao gồm: 1 dự án là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị (Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi).
Bên cạnh đó, công tác triển khai một số dự án mới vẫn còn chậm (Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP...).
Đề nghị nói trên cũng được báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề cập khi tham gia thẩm tra báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ. Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế gửi Thường vụ Quốc hội còn đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ tác động của việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước và vẫn chưa rõ thời gian hoàn thành.
Theo Ủy ban Kinh tế, tới nay, việc triển khai thu phí tự động không dừng đã chậm 2 năm so với yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội.

Đánh giá rõ hơn việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; đánh giá đầy đủ hơn về hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cụ thể là đánh giá các giải pháp điều hành và hiệu quả của các giải pháp liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bền vững; đánh giá về công tác chỉ đạo của Chính phủ và giải pháp của cơ quan quản lý đối với xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên canh đó, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân, nhất là việc chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.