Đề nghị Chính phủ khắc phục các dự án trọng điểm chậm tiến độ

Anh Vũ
Anh Vũ
24/07/2021 09:50 GMT+7

Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, thời gian qua nhiều dự án trọng điểm , quan trọng của quốc gia bị chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư rất lớn.

Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025 do Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) trình bày sáng nay, 24.7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cho biết, Uỷ ban cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được tại báo cáo của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, KHĐTCTH lần đầu tiên được triển khai thực hiện, là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm.
Nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011 - 2015 được từng bước khắc phục. Thể chế pháp luật về đầu tư công từng bước được hoàn thiện, việc phân bổ vốn cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức…
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban TCNS nhận thấy, còn một số tồn tại, hạn chế như việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết 26 chưa đạt, có 2 mục tiêu vượt, 2 mục tiêu đạt và 2 mục tiêu không đạt so với kế hoạch. Trong đó, chi đầu tư ngân sách T.Ư giai đoạn 2016 - 2020 không đạt so với kế hoạch Quốc hội quyết định.
Đáng chú ý, nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn. Nhiều dự án dự kiến sử dụng nguồn lực PPP không thực hiện được, phải chuyển sang đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều trường hợp bố trí vốn không đúng tiến độ, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của luật Đầu tư công.
“Đến nay vẫn còn tồn đọng nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn ứng trước chưa thu hồi còn khá lớn. Việc giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm còn chậm, giao nhiều lần, chưa bảo đảm tính ổn định; giải ngân còn chậm, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA”, Uỷ ban TCNS nhận định.
Ủy ban này cũng cho rằng, việc chậm trễ là do yếu kém trong tổ chức thực hiện; chậm tiến độ giải phóng mặt bằng; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chất lượng dự án chưa đảm bảo, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; bố trí vốn không kịp thời; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý chưa đáp ứng yêu cầu… Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.
Đối với các kiến nghị, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, định hướng, thứ tự ưu tiên trong phân bổ KHĐTCTH. Thống nhất dự kiến tổng mức vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 2,870 triệu tỉ đồng, bao gồm 1,5 triệu tỉ đồng vốn ngân sách T.Ư và 1,37 triệu tỉ đồng vốn ngân sách địa phương…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.