Đề nghị căn cứ đóng BHXH gồm tiền lương và thu nhập khác có 'tính chất lương'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
13/10/2023 18:43 GMT+7

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đề nghị sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương thay vì chỉ quy định tiền lương như luật hiện hành.

Chiều 13.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với BHXH TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016 - 2023 trên địa bàn và góp ý sửa đổi dự thảo luật BHXH năm 2014.

Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM, phát biểu đề xuất một số nội dung về dự thảo sửa đổi luật BHXH. Đơn cử, tại điều 30 hiện quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Đề nghị căn cứ đóng BHXH gồm tiền lương và thu nhập khác có 'tính chất lương' - Ảnh 1.

Giám đốc BHXH TP.HCM Lò Quân Hiệp nêu ý kiến với đại biểu Quốc hội

THU NGÂN

Với quy định này, BHXH TP.HCM muốn sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là "tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm các khoản tiền thưởng theo quy định của bộ luật Lao động; tiền làm thêm giờ; các khoản bồi dưỡng bằng hiện vật; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân chết, có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp".

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nên theo tổng thu nhập chịu thuế

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng nêu ý kiến về việc nên tính căn cứ tiền đóng BHXH theo tổng thu nhập cá nhân chịu thuế để việc thu BHXH thuận lợi hơn.

Đề nghị căn cứ đóng BHXH gồm tiền lương và thu nhập khác có 'tính chất lương' - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại buổi làm việc

THU NGÂN

Về vấn đề này, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho rằng các cơ quan cá nhân cần nghiên cứu thêm, vì việc đóng BHXH theo tổng thu nhập tính thuế sẽ có phần ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Thế nên, việc quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cần phải đảm bảo hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

BHXH TP.HCM đề nghị sửa đổi quy định này thành "tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động, thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố".

Theo ông Lò Quân Hiệp, lý do đề xuất nhằm để phù hợp với định hướng theo Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra nội dung cải cách chính sách về tiền lương là "sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động".

9 tháng đầu năm 2023, tại TP.HCM, số người lao động tham gia BHXH là hơn 2,5 triệu người, chiếm 54,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 9,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW).

BHXH TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ, chủ động khai thác thêm nguồn thu từ các doanh nghiệp nhỏ. Số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của TP.HCM tăng nhanh, năm sau luôn cao hơn năm trước và đều vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Năm 2023, ước tính số thu là 85.810 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.