Đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn để 'bảo vệ giống nòi'

25/03/2024 10:32 GMT+7

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm bảo vệ sức khỏe, tài sản cho người dân và tuổi thọ của giống nòi.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra từ 26 - 28.3 tới, các đại biểu sẽ thảo luận về dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung hiện còn ý kiến khác nhau, đó là có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?

Đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn để 'bảo vệ giống nòi'- Ảnh 1.

Bên cạnh đa số ý kiến ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn, một số cho rằng nên có ngưỡng tối thiểu

HOÀNG TUÂN

Cấm tuyệt đối hay cần có ngưỡng?

Trong báo cáo gửi trước hội nghị, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đây không phải là nội dung mới, mà chỉ kế thừa từ luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sau thời gian thực hiện, quy định này đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe".

Ngược lại, một số ý kiến đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn, thay vì cấm tuyệt đối như hiện nay. Bởi lẽ, với nồng độ cồn thấp, tài xế vẫn có khả năng làm chủ hành vi và điều khiển phương tiện. Chưa kể nhiều trường hợp mặc dù đã uống rượu, bia sau một thời gian dài (12 - 24 giờ) hoặc qua đêm mà vẫn còn nồng độ cồn.

Việc quy định ngưỡng sẽ tạo điều kiện cho người đã sử dụng rượu, bia vẫn được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Do có 2 luồng quan điểm khác nhau, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thiết kế 2 phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một là cấm tuyệt đối nồng độ cồn, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ.

Hai là giữ nguyên như luật Giao thông đường bộ năm 2008: chỉ cấm tuyệt đối với ô tô, máy kéo và xe máy chuyên dùng; còn mô tô, xe gắn máy sẽ có ngưỡng tối thiểu (50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở). Nếu áp dụng, luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ phải sửa đổi.

Đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn để 'bảo vệ giống nòi'- Ảnh 2.

Tại phiên họp thứ 31 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn

GIA HÂN

Cấm tuyệt đối để "bảo vệ tuổi thọ của giống nòi"

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho hay, tại phiên họp thứ 31 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị lựa chọn phương án 1.

Vì vậy, thường trực ủy ban này đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách thống nhất với phương án 1 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, theo hướng tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Quy định trên sẽ góp phần bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.

Sau quá trình thực hiện, nếu đã hình thành ý thức và văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe" thì sẽ tiến hành tổng kết để có đề xuất cho phù hợp.

Bộ Công an giải thích việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe

Vẫn theo báo cáo, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

Với phương án cấm tuyệt đối, người dân sẽ không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Còn với phương án có ngưỡng, người dân sẽ khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó; đồng thời rất dễ xảy ra trường hợp bị ép uống và khi đã uống dễ bị kích thích, khó làm chủ bản thân và khó dừng lại.

Riêng về vấn đề nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có căn cứ rõ ràng. Thực tiễn cho thấy rất hiếm xảy ra tình huống này. Nếu có, người dân có thể trao đổi với lực lượng chức năng hoặc kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệch kết quả xử lý.

Xử lý mạnh nồng độ cồn, tai nạn giảm cả 3 tiêu chí

Theo báo cáo của Chính phủ, từ tháng 6.2022 - tháng 12.2023, số người chết và bị thương liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. 

Trong số đó, 80% thuộc trường hợp do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Từ năm 2018 - 2023, hơn 2,7 triệu lượt người đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, số bị chấn thương sọ não là hơn 381.000 lượt người (chiếm 13,9%).

Trong đó, số người đến cấp cứu, điều trị có liên quan đến rượu, bia là hơn 425.000 lượt người, số bị chấn thương sọ não có liên quan đến rượu, bia là hơn 70.000 lượt người (tương ứng 16,6%) - chiếm tỷ lệ cao hơn so với chấn thương sọ não nói chung.

Cũng trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.