Đề nghị bãi bỏ các khoản phí gây bức xúc cho người dân

06/04/2015 18:35 GMT+7

(TNO) Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân.

(TNO) Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí không phù hợp có thể gây bức xúc cho người dân.

thuong-vu-quoc-hoiPhó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ chiều 6.4 - Ảnh: Trường Sơn

Đây là ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về dự luật Phí, lệ phí diễn ra chiều nay 6.4.

Thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao (như lệ phí hải quan)... nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị dừng một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân, như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...; nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá.

Theo ông Hiển, các quy định này đã được thể hiện tại luật Khám bệnh, chữa bệnh và luật Giá. Theo quy định này, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá.

Liên quan đến lệ phí trước bạ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Nhà nước thu lệ phí trước bạ nhằm thực hiện xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, việc thu lệ phí chính là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân về sở hữu, sử dụng tài sản. Mặc dù vậy, để tránh những bất cập như hiện nay (cơ chế thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ % trên giá trị tài sản và giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định với tỷ lệ thu khác nhau, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu trên toàn quốc), Ủy ban này đề nghị cần quy định tỷ lệ thống nhất về một mức đối với mỗi loại tài sản, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

Không đồng tình cơ quan thu phí được “giữ lại phần trăm”

thuong-vu-quoc-hoiChủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý bày tỏ không đồng tình với quy định cơ quan thu phí được để lại một phần tiền phí thu được - Ảnh: Trường Sơn

Liên quan đến chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự luật đề xuất quy định cơ quan thu phí được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự thảo Luật, nhưng đề nghị không quy định số để lại theo tỷ lệ (%), mà căn cứ vào tính chất của từng loại phí trên cơ sở xác định chi phí tổ chức thu phí để xác định số để lại cho phù hợp.

Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý không đồng tình với việc “trích lại ngay như thế”. Theo ông Lý, luật Ngân sách đã quy định ngân sách nhà nước phải được quản lý tập trung thống nhất và tất cả các khoản thu phải được nộp vào ngân sách. Sau đó các khoản chi cần thiết thì phải có cơ quan thẩm quyền phê duyệt và ngân sách cấp trở lại.

“Do đó chúng tôi thấy rằng những vấn đề, những quy định liên quan đến phí, lệ phí cũng cần phải thực hiện như vậy”, ông Lý nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.