Để một mùa trăng không rác thải

09/09/2022 18:54 GMT+7

Sáng tạo ra các loại lồng đèn bằng nguyên liệu "xanh" là cách mà chị Lê Hồng Kỳ (37 tuổi) ở Hà Nội đang làm để vừa vui lễ trung thu , vừa lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Trung thu "xanh" với lồng đèn giấy dó

Bén duyên với giấy dó từ năm 2017, chị Hồng Kỳ bằng niềm đam mê làm đồ thủ công cùng đôi bàn tay khéo léo của mình đã tìm tòi và sáng tạo nên các sản phẩm từ loại giấy này như: sổ, thiệp, hoa tai, đèn trang trí…

Chị Lê Hồng Kỳ vui mừng khi cầm trên tay chiếc đèn kéo quân làm bằng giấy dó do chính mình sáng tạo nên

TV

Giấy dó được làm từ vỏ cây dó, có rất nhiều đặc tính tốt như xốp nhẹ, mềm dai, không bị mối mọt; so với các loại giấy công nghiệp khác thì giấy dó thân thiện với môi trường hơn. Hơn nữa, giấy dó có bề ngoài thô ráp, gồ ghề đã khiến cho những sản phẩm thủ công mang một nét đẹp mộc mạc, đơn sơ, tinh tế. Vì lẽ đó, chị Hồng Kỳ đã lựa chọn loại giấy này để gắn bó.

Ý tưởng làm lồng đèn từ giấy dó được hình thành trong một buổi chị lên phố Hàng Mã (Hà Nội) để tìm kiếm các ý tưởng cho mùa trung thu năm nay. Vỗn dĩ là người thích những thứ giản dị nên chị bị choáng ngợp với vô vàn các loại đồ chơi nhựa công nghiệp, màu sắc lòe loẹt, thiết kế tạm bợ.

Sau hôm đó, chị đã quyết định về làng tìm các nghệ nhân để học nghề và tự tay làm những lồng đèn bằng giấy dó thân thiện với môi trường.

Đèn ông sao làm bằng giấy dó và lá cây khô, thân thiện với môi trường

TV

Trao đổi với chúng tôi, chị Hồng Kỳ cho hay: “Ở làng nghề, các bác nghệ nhân vẫn làm đồ chơi trung thu truyền thống có sử dụng túi bóng kính, nhưng nhóm tôi chỉ học hỏi công thức làm đèn cù, đèn kéo quân và về sáng tạo thêm để ra sản phẩm vẫn giữ được tinh hoa truyền thống mà lại mang hồn của riêng mình. Định hướng phát triển thương hiệu của nhóm là chuyên sản xuất những sản phẩm xanh, nói không với túi ni lông và nhựa”.

Chính chị Hồng Kỳ cũng không tưởng tượng được những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cù làm bằng giấy dó khi kết hợp với lá cây ép khô lại có sức hút với mọi người đến thế. Dù dự án "trung thu không rác" mới mở bán được hơn 1 tuần nhưng chị và 3 người bạn của mình làm cật lực vẫn không kịp trả hàng cho khách.

Chị Lê Hồng Kỳ đang được nghệ nhân Đỗ Văn Kỳ dạy làm đèn cù

HK

Vì làm thủ công mất rất nhiều thời gian, nhân lực nên giá thành cũng cao hơn so với những sản phẩm công nghiệp khác. Riêng việc làm giấy dó, để sản xuất ra được một mẻ giấy từ 100 - 200 tờ thì phải mất đến 7 ngày. Từ việc bóc vỏ cây dó; sau đó ngâm, giã, đập; rồi đem đi luộc; ra thành phẩm bột giấy rồi mới làm thành tờ giấy.

Từ những tờ giấy đó mới tiếp tục làm nên các sản phẩm. Công đoạn dán giấy dó lên khung đèn đã mất khoảng hơn 1 tiếng; chưa kể thời gian làm khung, ép lá nên một ngày số lượng đèn mà nhóm làm ra không được nhiều.

Chị Trần Thu Hương (P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình có theo dõi trên các hội nhóm về tiêu dùng xanh thấy mọi người có nhiều ý tưởng tái chế làm đèn lồng cho con nhưng nó vẫn chưa mang lại cảm giác truyền thống lắm. Mình thấy đèn cù giấy dó là sản phẩm khá đặc biệt, mang nét đẹp cổ truyền”.

Các sản phẩm lồng đèn truyền thống được sáng tạo làm bằng giấy do

HK

“Với những sản phẩm vừa lưu giữ được nét truyền thống dân tộc, vừa sáng tạo thân thiện với môi trường như thế này thì tôi nghĩ giá thành có nhỉnh hơn chút cũng không sao. Quan trọng là cái giá trị bền vững của những chiếc lồng đèn mang lại”, cô Phạm Khánh Phương (Q.Đống Đa, Hà Nội) nói.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng

Thông qua các sản phẩm và dự án, chị Hồng Kỳ muốn lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tinh thần, trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, cũng mong sẽ lan truyền rộng rãi vẻ đẹp của giấy dó, phần nào góp sức khôi phục lại loại giấy chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam đang dần mai một.

Chị Hồng Kỳ thường xuyên tham gia các hoạt động sáng tạo sản phẩm thủ công bằng giấy dó

HK

Ngoài việc làm và bán lồng đèn, chị còn tổ chức các buổi workshop dạy cho trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật ở các trung tâm, sáng tạo nên những chiếc lồng đèn bằng giấy dó và lá cây khô.

“Workshop chính là những hành động tôi đang trực tiếp làm để hướng dẫn mọi người có thể tự tái chế bằng những nguyên liệu tự nhiên xung quanh mình chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải mua”, chị Hồng Kỳ tâm sự.

Vượt qua tất cả những khó khăn về thời gian, nhân lực, kinh phí, điều khiến chị Hồng Kỳ cảm thấy hạnh phúc nhất là sản phẩm thủ công của mình được nhiều người đón nhận và bản thân lan tỏa được những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Những tình cảm yêu mến và sự tin tưởng của khách hàng, người xung quanh là nguồn động lực to lớn nhất để chị cố gắng mỗi ngày.

Chị Hồng Kỳ cũng thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, mang văn hóa Việt Nam giới thiệu với những người bạn ngoại quốc

HK

Chia sẻ thêm về dự án chị Hồng Kỳ cho biết, "trung thu không rác" từ giờ sẽ là chiến dịch thường niên, nhóm luôn cố gắng duy trì và sáng tạo thêm nhiều hoạt động ý nghĩa hơn qua các mùa.

Sau dịp lễ, chị Hồng Kỳ vẫn tiếp tục phát triển dự án thành các loại đèn để trang trí ở các quán hàng, làm đèn ngủ cho các bé… Đặc biệt, sẽ tìm hiểu thêm về thị trường, văn hóa của một số nước phù hợp để có thể đưa những sản phẩm thủ công Việt Nam ra thị trường thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.