Dế mèn vẫn dắt trẻ em đi…

31/05/2015 14:09 GMT+7

(TNO) Nhà văn Tô Hoài đã ra đi, nhưng chú dế mèn vẫn ở lại với cuộc đời này, dắt trẻ em đi đến những cánh đồng khát vọng, hoài bão…

(TNO) Nhà văn Tô Hoài đã ra đi, nhưng chú dế mèn vẫn ở lại với cuộc đời này, dắt trẻ em đi đến những cánh đồng khát vọng, hoài bão…

Nha-van-To-Hoai-De-men-phieu-luu-ky-tre-emNhà văn Tô Hoài và vợ - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Tô Hoài đã bước vào cuộc "phiêu lưu mới" gần một năm, thế nhưng trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, mọi bóng hình của ông Dế mèn vẫn còn ở lại bên giá sách, những chậu cây ngoài cửa...
Căn nhà số 108, khu C3 Nghĩa Tân ấy cũng nằm trong sự hiền hòa, êm ả vốn có như bao nhiêu năm nay của Hà Nội. Chiếc cổng sắt đơn sơ, phía trong là một hộp đựng thư báo. Những ngọn vạn niên thanh xanh mướt leo lên trên một bức tường rêu. Một cây ngâu trổ hoa vàng thơm ngọt giữa nắng trưa hè.
“Bố tôi thích trồng cây. Sáng sáng thức dậy, sau khi tự tập thể dục xong, ông ra ngoài sân, nhìn ngắm một lượt rồi tỉa những cái lá sâu, úa”, bà Nguyễn Đan Hà, con gái cố nhà văn kể lại.
Nha-van-To-Hoai-De-men-phieu-luu-ky-tre-emCăn nhà nhỏ của nhà văn Tô Hoài bao năm qua vẫn bình yên như thế - Ảnh: Thúy Hằng
Bà Nguyễn Đan Hà là người ở bên cạnh, chăm sóc nhà văn Tô Hoài những năm tháng cuối đời. Nhớ cha, bà để nguyên căn phòng nơi ông từng sống, làm việc, không thay đổi bất cứ một chi tiết nào. Bộ bàn ghế sô pha nơi ông vẫn tiếp khách mỗi ngày, một chiếc bàn hướng ra cửa sổ luôn có chồng báo đủ các đầu báo trong ngày, một chai rượu vang và chiếc ly. Những giá sách đặt khắp nơi trong nhà. Trên đó, vị trí cao nhất được dành để treo những bức vẽ Dế mèn phiêu lưu ký mà bạn bè, các học trò tặng lại ông.
“Cha tôi thường dậy rất sớm. Người ta biếu ông rất nhiều các báo mới nhất trong ngày, cha tôi dành thời gian trong ngày để đọc hết, không còn sót tờ nào, từ Lao Động, Tiền Phong, An ninh thế giới, Thanh Niên. Thấy chúng tôi cũng thích đọc Thanh Niên, ông còn trêu: Người già lại đọc Thanh Niên”, bà Đan Hà cười mà mắt như có nước.
Với cô con gái, hình ảnh của cha mình vẫn còn ở khắp mọi nơi, bà Đan Hà cảm tưởng mỗi khi đẩy cánh cửa gỗ bước vào, vẫn nhìn thấy cha đang cặm cụi đọc báo, thấy con gái sẽ nhoẻn miệng cười hiền hậu. "Con giống bố nên xấu nhất nhà, bố nhỉ"; "Chưa chắc đâu"... Mỗi khi nhớ đến những câu đùa vui với bố hằng ngày, bà Hà chảy nước mắt.
Nha-van-To-Hoai-De-men-phieu-luu-ky-tre-emGiá sách của nhà văn Tô Hoài - Ảnh: Hồng Nhung
Nhà văn Tô Hoài ăn uống đơn giản, không cầu kỳ, thế nhưng lại là người cực kỳ tinh tế trong việc cảm nhận các món ăn Hà Nội.
Một lần, con gái mua về cho cha món bánh tôm do những người trong khu Nghĩa Tân tự làm, ông ăn một chút rồi lắc đầu: “Đây không phải là bánh tôm Hà Nội, người ta làm linh tinh quá”.
Những năm cuối đời, cố nhà văn Tô Hoài ít đi đâu, ông chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ, mở cánh cửa sổ, đọc sách báo, viết hồi ký. Các cháu nhỏ trong nhà quấn ông, mỗi khi được bố mẹ cho đến thăm ông, chúng đều chạy ùa đến, ríu rít như bầy chim non. Trẻ con hàng xóm cũng quý ông Dế mèn. Ông nhớ tên của từng đứa trẻ hay chạy sang sân nhà. “A, đồng chí Thành đấy phải không?”, “Chào đồng chí Dũng nhé”, đấy là câu chào hỏi quen thuộc mà bọn trẻ khu tập thể Nghĩa Tân đã quen khi đẩy cánh cửa sắt bước vào sân nhà ông Dế mèn.
Trong trí nhớ của anh Nguyễn Đức Cường, năm nay đã 32 tuổi, ở cách nhà ông Tô Hoài vài số nhà, hình ảnh thân quen, hiền từ của ông Dế mèn vẫn còn nguyên vẹn.
“Ngày tôi 8 tuổi, khi đó cả khu tập thể có duy nhất nhà ông Tô Hoài lắp chuông cửa. Mỗi trưa, bọn trẻ con chúng tôi rủ nhau tập trung trước nhà ông, bấm chuông thật dài rồi trốn đi. Lần nào cũng thế, ông Tô Hoài đẩy cửa bước ra, nhìn thấy bọn trẻ đang chạy toán loạn đều lắc đầu rồi cười. Chỉ có thế, chưa bao giờ tôi thấy ông to tiếng”, anh Cường kể lại tuổi thơ.
Nha-van-To-Hoai-De-men-phieu-luu-ky-tre-emNhững hình ảnh của Dế mèn phiêu lưu ký trong căn phòng của cố nhà văn - Ảnh: Hồng Nhung

Nha-van-To-Hoai-De-men-phieu-luu-ky-tre-emLà một nhà văn nổi tiếng, song cuộc sống của ông Dế mèn vô cùng giản dị - Ảnh: Hồng Nhung
Dế mèn phiêu lưu ký lớn lên cùng tuổi thơ của Cường và những bạn bè anh, cả thế hệ của những người lớn như cha mẹ anh. Cường có 2 con trai, anh mới mua truyện Dế mèn phiêu lưu ký cho cậu lớn đọc, nhưng tiếc là cháu chẳng bao giờ còn cơ hội bấm chuông chiếc cổng sắt, gặp lại nụ cười hiền của người viết ra cả tuổi thơ cho bao nhiêu thế hệ.
Ngày ông Dế mèn mất, bà Nguyễn Thị Cúc, vợ ông khóc ngất, bà bảo cả đời đã chờ đợi ông bao nhiêu năm tháng, nhưng khi ông mất lại không đợi bà, dù là một tiếng. Tô Hoài trút hơi thở cuối cùng khi vợ ông chưa kịp có mặt.
Tháng 7.2014, trong suốt những giờ làm lễ truy điệu nhà văn Tô Hoài, Hà Nội mưa tầm tã không ngớt. Thế nhưng, khi linh cữu ông bắt đầu được chuyển từ nhà tang lễ về nghĩa trang Thanh Tước, Mê Linh, trời tạnh ráo, đón ông vào một cuộc phiêu lưu mới, nhẹ nhàng, không còn gì trăn trở.
Một mình ông đi thôi. Chú dế mèn vẫn ở lại với cuộc đời này. Trên con đường tìm kiếm ước mơ, hoài bão, dế mèn đang dắt trẻ em đi…
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội), mất ngày 6.7.2014 tại Hà Nội.
Ông từng là phóng viên, chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc, Tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội.
Đã xuất bản 160 tác phẩm phong phú về thể loại. Dế mèn phiêu lưu ký không phải là tác phẩm đầu tay của Tô Hoài nhưng là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, làm nên tên tuổi của nhà văn khi ông mới ngoài 20 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.