Để lời nhận xét không là... gánh nặng

29/01/2015 06:12 GMT+7

Vì sao một chủ trương nhằm giảm áp lực học tập, đúng mong muốn của HS, phụ huynh, GV như Thông tư 30 - đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét thay vì chấm điểm - lại gây phản ứng ngược và nhiều lo lắng đến vậy?

Vì sao một chủ trương nhằm giảm áp lực học tập, đúng mong muốn của HS, phụ huynh, GV như Thông tư 30 - đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét thay vì chấm điểm - lại gây phản ứng ngược và nhiều lo lắng đến vậy?

Nếu cho rằng do xã hội bảo thủ, không sẵn lòng dung nạp cái mới cũng chưa đúng, vì thực tế cho thấy cuộc sống có biết bao cái mới nhưng người ta vẫn sẵn sàng đón nhận.
Vấn đề ở đây cần xem xét từ cách làm.
Sau tất cả những phản ứng của GV và phụ huynh, cái đáng lo không phải ở chỗ GV phàn nàn không có thời gian để nhận xét, thực hiện sổ sách theo quy định. Cũng không phải vì phụ huynh kêu ca không biết học lực của con em mình thế nào. GV thêm việc tất nhiên phải than. Phụ huynh cảm thấy mông lung về việc học của con thì phải phản ứng. Điều đáng lo là khi sự thay đổi này, do chưa được thẩm thấu, sẽ làm lệch mục tiêu dạy và học.
Qua một học kỳ, đã thấy nỗi lo này dễ trở thành hiện thực. GV vì áp lực về việc ghi sổ sách, nhận xét đã không tập trung đầu tư vào việc dạy, theo dõi học tập của HS như trước đây. Do yêu cầu những lời nhận xét phải mang tính động viên, khích lệ nên phần lớn HS tiểu học đều cảm thấy hài lòng về kết quả đạt được. Điều đó khiến không ít GV nhận ra rằng đây là mầm mống để HS mất dần động lực, tinh thần phấn đấu trong học tập.
Có thể nói, với GV tiểu học hiện nay, Thông tư 30 là câu cửa miệng. Câu trước câu sau gì GV cũng viện dẫn Thông tư 30. Áp lực đến mức GV phải nghĩ ra các kiểu để đối phó như truyền nhau các mẫu nhận xét, sao y các kiểu làm hồ sơ sổ sách theo quy định cho xong...
Mọi thứ cứ rối tung cả lên từ GV đến phụ huynh. Trong khi nếu bình tâm nhìn lại thì mọi chuyện có thể đơn giản hơn thế. Nếu không có Thông tư 30 thì hằng ngày, khi chấm bài của HS, GV cũng cần có nhận xét bên cạnh việc cho điểm. Thế nhưng lúc bấy giờ GV làm điều này hết sức bình thường, không cảm thấy áp lực nào. Về phía HS, chẳng hạn như lớp 1, nếu chưa bao giờ tiếp xúc với điểm số, ngoài lời nhận xét thì các biểu tượng thay cho điểm như ngôi sao xanh/đỏ, cũng là một dạng cho điểm. Nghĩa là khi có sao xanh, HS hiểu rằng cần phải cố gắng hơn mới được sao đỏ...
Nhưng chính những thủ tục, quy định nặng tính hành chính cùng một quy trình thực hiện chưa đủ chín, thiếu đồng bộ đã khiến một điều có thể diễn ra một cách tự nhiên lại trở nên gượng ép, mang tính hình thức, đối phó.
Qua báo chí, một chuyên viên của Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng áp dụng việc đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét thay vì cho điểm như Thông tư 30 là một quá trình trong 15 năm. Nói như thế có vẻ đủ nhưng vẫn còn đứng ngoài hơi thở của cuộc sống giáo dục hằng ngày. Lẽ ra những thay đổi như thế này phải được chuyển tải đầy đủ trước tiên đến GV và cần thực hiện ngay từ trong các trường sư phạm. Cũng giống như việc dạy học theo phương pháp tích hợp. Trong khi GV hiện tại chưa biết gì về điều này, sinh viên sư phạm chưa được đào tạo theo hướng dạy tích hợp đã phải thực hiện nên lúng túng và đi lệch hướng là điều không tránh khỏi.
Chắc chắn các cấp lãnh đạo ngành giáo dục sẽ phải có những điều chỉnh sao cho đồng bộ vì nếu không cho điểm hằng ngày nhưng vẫn tính điểm tổng kết học kỳ, cuối năm liệu có còn giá trị? Chắc chắn GV sẽ đối phó bằng cách nhận xét nhưng vẫn cho điểm ngầm. Hãy bỏ bớt những thủ tục hành chính, sổ sách nặng nề tạo áp lực không đáng cho GV, để họ dành thời gian đầu tư vào việc dạy học đích thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.