“Không học toán đâu có nghĩa là không biết đếm”

17/05/2022 09:00 GMT+7

Rất nhiều cử tri khi được tiếp xúc với các đại biểu quốc hội ứng cử tại địa phương mình đều đã nêu lên bức xúc của họ về câu chuyện “bỏ” hoặc “tự chọn” môn Lịch sử trong chương trình phổ thông.

Về câu chuyện này, có một vị là chuyên gia giáo dục sử học đã nói ráo hoảnh: “Không học sử đâu có nghĩa là không yêu nước”. Tôi muốn bắt chước câu nói đó để nói câu này “Không học toán đâu có nghĩa là không biết đếm”. Phải vậy không nhỉ?

Ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban bí thư, đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, đã trả lời rất rõ ràng câu chuyện bỏ hay “tự chọn” môn lịch sử mà cử tri bức xúc: "Sẽ không thể giáo dục quốc phòng đầy đủ nếu không nói về các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Môn học về lịch sử địa phương cũng là cái mới trong chương trình, từng địa phương sẽ có một phần lịch sử gắn với lịch sử của quốc gia", ông Thưởng nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, không chỉ Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ thật đau khổ khi mỗi công dân không biết lịch sử của dân tộc, đất nước mình. "Bài học trong lịch sử luôn là kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề hiện tại", ông nói thêm.

Không thể có chuyện “bỏ môn lịch sử khỏi chương trình”

Đ.N.T

Như vậy, không thể có chuyện “bỏ môn lịch sử khỏi chương trình”. Nhưng để nó vào “môn tự chọn” cũng thật sự không ổn. Vì có thể, kết quả của “trò chơi tự chọn” ấy sẽ khiến cả đất nước phải đau lòng. Dù trong hiện tại, thì có tờ báo đã hoan hỉ thông tin là học sinh đã chọn môn Sử là môn học và thi khá đông. Nhưng giáo dục không thể dựa vào may rủi. Nếu học sinh không chọn môn Sử “rất đông” thì sao?

Bao năm nay học sinh không thích học môn lịch sử không phải vì môn này “không quan trọng bằng các môn khác” hay không thể cuốn hút hấp dẫn bằng các môn khác. Ngược lại, theo những người lớn tuổi đã học phổ thông ngày trước, thì môn lịch sử thời ấy là một môn học hấp dẫn. Vậy thì, cần phải xem kỹ lại sách giáo khoa lịch sử hiện tại, sách đã viết về lịch sử nước Việt Nam như thế nào mà không thể thu hút học sinh học môn vô cùng quan trọng này. Và cũng phải xem lại cách giảng dạy môn Sử thế nào để môn học mà học sinh toàn thế giới phải học sử quốc gia mình một cách bình thường và chính thức lại trở thành môn học “tự chọn” ở tại Việt Nam.

Nếu viết sách giáo khoa lịch sử không đạt, không hấp dẫn, không tìm được những kiến thức lịch sử mà học sinh phải quan tâm, thì không phải lịch sử Việt Nam không hấp dẫn, mà chính những người viết sách không viết lịch sử bằng tâm hồn mình, bằng tất cả tình yêu thương nhân dân mình, đất nước mình.

Sách giáo khoa lịch sử không chỉ nêu sự kiện, mà thông qua sự kiện, phải nêu được những bài học thấm thía về lịch sử, cả hay và dở, cả được và mất. Nếu sách lịch sử chỉ nêu toàn những sự kiện chiến thắng, mà không nêu những sự kiện thất bại, chỉ nêu những hào hùng, mà không nêu những đau thương mất mát, thì làm sao học sinh nhận rõ được thực chất lịch sử nước mình.

Cứ nhìn tượng đài Mẹ Thứ, người mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, người chiêm bái đã trào nước mắt, vì họ biết đó là tượng đài một người Mẹ đau khổ vào bậc nhất khi đã hy sinh cho đất nước cả 9 đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Nếu học sinh được học, được xem những clip hay phim tài liệu về Mẹ Thứ, chắc chắn, các em sẽ thấu cảm thế nào là lòng yêu nước, là đức hy sinh của người Mẹ Việt Nam. Nếu không được học những bài học như thế, mà “chỉ biết đếm chứ không học toán”, thì lòng yêu nước làm sao sâu sắc bằng có học sử nhỉ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.