Đề kiểm tra cho… 70 câu thơ: Đừng để học sinh ác cảm với môn ngữ văn

15/12/2023 15:32 GMT+7

Đề kiểm tra ngữ văn lớp 11 một trường THPT ở TP.HCM yêu cầu học sinh đọc hiểu và phân tích 28 trong 70 câu thơ, thời gian làm bài 90 phút.

Theo đó, cấu trúc đề kiểm tra ngữ văn lớp 11 có 2 phần: đọc hiểu và viết. Đáng chú ý, ngữ liệu được chọn là 70 câu thơ trích truyện thơ Vượt Biển của dân tộc Tày-Nùng. 

Trong đề kiểm tra, 70 câu thơ được chia làm 2 cột, in gần hết một mặt giấy khổ A4, khiến học sinh và giáo viên đều "choáng".

Phần đọc hiểu yêu cầu học sinh trả lời 7 câu hỏi liên quan đến tri thức về truyện thơ. Phần viết, học sinh viết một bài văn nghị luận phân tích giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích (từ câu thơ Chèo đi rán thứ sáu đến câu thơ Đừng cho tôi bỏ thân chốn này, biển ơi - tổng cộng 28 câu thơ).

Giáo viên nhận xét gì về đề kiểm tra ngữ văn?

Nhận xét về đề kiểm tra này, không ít giáo viên ngữ văn cho rằng ngữ liệu là một truyện thơ dân gian hay, từng được đưa vào sách giáo khoa chương trình phân ban lớp 10 trước đây.

Đoạn trích trong truyện thơ dân gian Vượt Biển  có sự gần gũi, phảng phất với tác phẩm Văn chiêu hồn của đại thi hào Nguyễn Du. Sống trong văn hóa kính ngưỡng và tin vào thần, Phật, người dân Tày-Nùng muốn gửi gắm tâm tư, những cảm xúc thương xót của mình vào số phận của con người bị chết oan ở thế giới bên kia. Khúc hát của người em mong tìm được sự tri âm, đồng điệu. Nó hé mở cho ta hình dung về một thế giới sau khi chết. Ở tầng địa ngục, những linh hồn bị đớn đau như thế nào.

Ưu điểm của đề kiểm tra là bám theo yêu cầu cần đạt về đặc trưng thể loại - truyện thơ. Cụ thể, câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc hiểu về nhân vật, đặc điểm truyện thơ, từ ngữ, hình ảnh trong thơ, chủ đề. Còn phần viết yêu cầu học sinh phân tích nội dung và nghệ thuật của một đoạn thơ. Đây là những kỹ năng các em đã được học ở lớp 10.

Tuy nhiên, về hình thức, ngữ liệu (có nhiều chú thích) cho quá dài nên học sinh rất khó làm hết 7 câu ở phần đọc hiểu và 1 câu phần viết với thời gian 90 phút. 

Đề kiểm tra cho… 70 câu thơ: Đừng để học sinh ác cảm với môn ngữ văn - Ảnh 1.

Đề kiểm tra ngữ văn đưa ra 70 câu thơ

NVCC

Làm sao để ra đề ngữ văn hay, đạt yêu cầu?

Để ra được một đề ngữ văn hay, đạt yêu cầu đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết với nghề. Giáo viên cần đầu tư thời gian, công sức đọc sách, báo nhằm tìm được những ngữ liệu hay. Ngữ liệu hay phải đảm bảo các yếu tố đặc thù của văn chương, đó là chân, thiện, mỹ.

Bên cạnh đó, ngữ liệu cần mang tính thời sự, nội dung văn bản gần gũi, thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và có tính giáo dục. Tôi nhận thấy, một số trường THCS, THPT lấy ngữ liệu là văn bản trung đại xưa cổ, học sinh chưa từng được học thì làm sao có thể làm được bài.

Một giáo viên dạy lớp 10 ở TP.HCM cho học sinh phân tích bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử. Khi đa số học sinh không làm được bài, giáo viên này lên tiếng chê bai. Tôi tin rằng, nhiều thầy cô dạy ngữ văn cũng không chắc đã hiểu hết bài thơ này thì làm sao bắt học sinh phân tích, cảm nhận.

Cùng với đó, ngữ liệu phải có dung lượng phù hợp với thời gian làm bài (đề kiểm tra định kỳ quy định thời gian tối thiểu 60 phút, tối đa 90 phút), độ khó tương đương với văn bản trong sách giáo khoa và các câu hỏi phải đúng với yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại.

Đề kiểm tra cho… 70 câu thơ: Đừng để học sinh ác cảm với môn ngữ văn - Ảnh 2.

Đề kiểm tra ngữ văn lớp 11

NVCC

Mỗi khi đọc sách, báo, gặp một ngữ liệu hay là tôi liền lưu lại để làm đề kiểm tra về sau. Khi có thời gian rảnh, tôi chọn một đoạn văn bản trong ngữ liệu có độ dài khoảng 300-400 chữ. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình, tôi thiết kế khoảng 7 câu hỏi theo ma trận được thiết lập sẵn.

Sau khi soạn xong đề, tôi làm đáp án kỹ lưỡng, đặt mình vào vị trí học sinh xem thử các em có làm được những yêu cầu cơ bản hay không. Nếu còn băn khoăn về hệ thống câu hỏi, đáp án, nhất là những câu hỏi liên quan đến kiến thức tiếng Việt, tôi sẽ nhờ giáo viên có kinh nghiệm đọc đề và góp ý.

Đừng biến đề kiểm tra ngữ văn thành cơn ác mộng với học sinh. Muốn vậy, giáo viên phải nắm vững Chương trình GDPT 2018, có tâm với nghề, am hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh và không ngừng học hỏi để tiến bộ qua từng ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.