Để không còn những đề kiểm tra gây hoang mang học sinh

Bích Thanh
Bích Thanh
12/12/2023 06:05 GMT+7

Bước vào năm thứ 2 áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, các trường cũng như giáo viên sẽ có những điều chỉnh việc ra đề, đánh giá học sinh trong các đợt kiểm tra học kỳ.

TRÁNH NHỮNG LỖI VỀ LỰA CHỌN NGỮ LIỆU

Sau một năm học trải nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, theo nhiều giáo viên (GV) tham gia dạy học sinh (HS) lớp 10, chương trình mới với cả HS và GV, mới từ cách tiếp cận kiến thức, yêu cầu về hình thức kiểm tra và mục tiêu. Chính vì vậy, GV vừa dạy, vừa đổi mới và vừa "dò đường". Do đó, dù cẩn thận và cân nhắc trong cả việc dạy học lẫn kiểm tra đánh giá nhưng các GV cho rằng đã không tránh khỏi việc có những đề bài kiểm tra "gây hoang mang, choáng váng cho HS".

Vào năm học 2022 - 2023, khi Chương trình GDPT 2018 áp dụng cho lứa HS đầu tiên của bậc THPT, môn ngữ văn có sự thay đổi nhiều nhất trong kiểm tra. HS học một chương trình với nhiều bộ SGK và ngữ liệu của đề kiểm tra không còn là những tác phẩm trong bộ sách mà HS đang học tại trường. Chính vì vậy, năm học vừa qua, có những đề kiểm tra học kỳ môn ngữ văn lớp 10 gây ra phản ứng của HS, phụ huynh và cả chính GV. Một GV thời điểm đó thậm chí còn nhận xét: "Ngữ liệu quá dài, khó, quá tầm, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Câu hỏi chưa bám sát vào yêu cầu cần đạt của chương trình".

Để không còn những đề kiểm tra gây hoang mang học sinh - Ảnh 1.

Học sinh lớp 11 trong giờ học môn ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018

ĐÀO NGỌC THẠCH

Hiện nay, GV trong giai đoạn biên soạn đề bài kiểm tra cho HS chuẩn bị bước vào giai đoạn kiểm tra học kỳ 1. Từ kinh nghiệm của năm học trước, thầy Phan Quan Thông, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), cho hay sau một năm thực hiện chương trình mới, trước khi bước vào năm thứ 2, tổ ngữ văn của trường này đã tập huấn về công tác ra đề với các chuyên gia, giảng viên. Tổ cũng bàn bạc và thống nhất nội dung, hình thức ra đề trong các buổi sinh hoạt chuyên môn. Theo đó, sẽ rút kinh nghiệm để chọn ngữ liệu có dung lượng vừa phải, đảm bảo cho HS có đủ thời gian đọc và hoàn thành bài làm tốt nhất. GV thông tin đến HS cấu trúc đề thi và ôn tập, hướng dẫn kỹ năng làm bài luyện tập thông qua các đề bài tham khảo do tổ chuyên môn biên soạn.

Còn cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, GV Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), từng chia sẻ yêu cầu chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến GV rất áp lực. Nếu không chọn một văn bản thực sự mới mẻ thì có thể bị đánh giá không chịu đổi mới, không sáng tạo. Vì thế, cô Hạnh Nguyên cho rằng: "Phải đổi mới nhưng cần lưu tâm đổi mới không nên đi xa quá, nếu không sẽ dẫn đến việc quên mất học trò của mình có theo kịp cái mới đó không".

TRÁNH LẠM DỤNG HÌNH THỨC TRẮC NGHIỆM VỚI ĐỀ NGỮ VĂN

Để tránh gây ra tranh luận, lo lắng ảnh hưởng thời gian làm bài của HS vì độ dài của văn bản như một số trường từng mắc phải vào năm học trước, thạc sĩ Phan Thế Hoài, GV dạy ngữ văn tại Q.Bình Tân (TP.HCM), cho rằng việc chọn ngữ liệu, phần đọc hiểu, cần có dung lượng vừa phải (khoảng 300 chữ), nội dung gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, có tính giáo dục và định hướng lý tưởng, lối sống cho tuổi trẻ.

Việc kiểm tra đánh giá không đặt nặng kiến thức lý thuyết hàn lâm, tăng cường các câu hỏi liên quan đến ứng dụng thực tiễn, giải quyết tình huống bằng cách vận dụng kiến thức được học và trải nghiệm qua từng tiết học tương tác trên lớp.

Thạc sĩ PHẠM LÊ THANH, Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM

Về ngữ liệu phần làm văn (nghị luận văn học), theo thạc sĩ Hoài, cần cho bài thơ, đoạn thơ ngắn, từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, nếu có từ ngữ khó thì phải chú thích. Tránh ra thơ Đường, thơ trung đại vì ngôn ngữ cổ xưa, có điển tích điển cố. Cân nhắc ra thơ mới cho dù đó là thơ của những nhà thơ nổi tiếng, vì HS không được học lịch sử văn học theo giai đoạn, chưa được học tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ cho nên gặp khó khi làm bài.

Ngoài ra, theo thầy Hoài, không nên lạm dụng câu hỏi trắc nghiệm đối với môn văn, vì đa số GV chưa được tập huấn kỹ về cách ra đề. Hơn nữa, bản chất của văn chương là nghệ thuật ngôn từ nên ra trắc nghiệm thì rất khập khiễng. Trong khi đó, mỗi HS có một cách cảm nhận khác nhau về nội dung, nghệ thuật bài thơ, nên khó có thể áp sẵn các lựa chọn.

CÂU HỎI BÁM SÁT THỰC TẾ

Còn thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho biết Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất, giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông và biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống thực tế. Đặc biệt ở cấp THPT, đơn cử môn hóa học là môn lựa chọn, phục vụ hướng nghiệp và định hướng ngành nghề có liên quan ở bậc ĐH, nên đề kiểm tra đánh giá phải thật sự đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, sự sáng tạo của HS qua việc vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống có thực trong đời sống, giải thích được các diễn biến của thế giới tự nhiên dưới góc độ hóa học.

Để không còn những đề kiểm tra gây hoang mang học sinh - Ảnh 3.

Học sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn kiểm tra cuối kỳ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thầy Lê Thanh nhấn mạnh: "Việc kiểm tra đánh giá không đặt nặng kiến thức lý thuyết hàn lâm, tăng cường các câu hỏi liên quan đến ứng dụng thực tiễn, giải quyết tình huống bằng cách vận dụng kiến thức được học và trải nghiệm qua từng tiết học tương tác trên lớp". Ngoài ra còn thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra môn học theo ma trận và ma trận đặc tả bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với năng lực của HS theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao với tỷ lệ (%) thường là 40:30:20:10.

Thầy Thanh nói thêm, để xây dựng đề kiểm tra đánh giá năng lực và phẩm chất của HS thì cần phải đồng bộ việc dạy học và kiểm tra. Nghĩa là GV phải dạy học đúng với việc phát triển phẩm chất - năng lực ở từng tiết học thì việc kiểm tra, đánh giá năng lực mới thực sự phân hóa đúng, phát triển toàn diện cho đối tượng người học ở từng giai đoạn.

Còn thạc sĩ Trần Văn Toàn, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3), phân tích ở Chương trình GDPT 2018, kiến thức được tiếp cận, dẫn dắt theo hình thức mới đi bằng con đường cởi mở, tìm tòi hơn. Do đó, GV nên soạn đề bài kiểm tra theo hướng tiếp cận và mang tính thực tế.

Đồng thời theo thầy Toàn, các bài tập trong chương trình mới đều cơ bản, nhẹ nhàng nhưng cách đặt vấn đề, các dẫn dắt khác so với yêu cầu kiểm tra kiến thức như trước đây nên cũng gây khó cho cả GV, HS. Trong khi đó, sách giáo khoa ra chậm, chỉ trước khi vào năm học mới vài tháng khiến GV không có thời gian để nghiên cứu, nghiền ngẫm. Chính vì vậy, thầy Toàn đề xuất với các môn tự nhiên, yêu cầu trong đề kiểm tra cần bám sát nội dung sách giáo khoa đang sử dụng và kiến thức kỹ năng cần đạt. 

Các định hướng khi ôn tập môn văn

Thầy Phan Quan Thông, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), cho biết thêm nhà trường thống nhất hình thức đề tự luận kiểm tra, đánh giá 2 kỹ năng đọc và viết. Trong đó định hướng cho HS phần đọc cần nắm vững tri thức ngữ văn ở mỗi thể loại. Việc ôn tập cần bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình được thể hiện trong sách giáo khoa. Ở mỗi thể loại, HS cần nắm vững cách trả lời các dạng câu hỏi được gợi ý trong sách giáo khoa thay vì học thuộc lòng câu trả lời. HS cần ôn tập bằng việc luyện tập với các văn bản cùng thể loại. Riêng phần viết thì cần nắm chắc đặc trưng, yêu cầu của kiểu bài; sử dụng bảng kiểm để tự kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh nội dung bài viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.