Để không còn những bộ sách như tiếng Việt lớp 1 của Cánh Diều

19/10/2020 07:13 GMT+7

Mấy tuần qua, dư luận dậy sóng với bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều. Đến lúc này cần đưa ra các giải pháp để không xảy ra tình trạng khi đưa sách vào thực tế mới phát hiện không phù hợp.

SGK không được sai, không được xấu

Sách giáo khoa (SGK) là tài liệu dạy học chính thức và cơ bản nhất ở trường phổ thông, cung cấp kiến thức nền tảng, chuẩn mực, logic và có tính hệ thống mà qua đó, người thầy giúp học trò nắm vững tri thức và vận dụng tốt vào cuộc sống. Nếu tri thức và giá trị đó không chuẩn mực, thấp kém hay xấu xa, thì hậu quả không chỉ đối với học trò mà còn đối với cả xã hội.
Vì vậy, SGK không được sai, không được xấu và đảm bảo tính khoa học, dân tộc và nhân văn.
Trong hệ thống SGK, sách lớp 1 đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên kho tri thức của học trò. Trong đó, sách tiếng Việt là quan trọng nhất, vì nó vừa trang bị những tri thức nền, vừa truyền thụ những nét đẹp của cuộc sống, đặc biệt là của con người và văn hóa Việt Nam thông qua tiếng Việt.
Trước khi vào lớp 1, đứa trẻ đã nói trôi chảy, đã có thể hát, kể chuyện... rất hay và đã hiểu biết được nhiều điều. Sách tiếng Việt dạy cho học trò những kiến thức và kỹ năng cơ bản để sử dụng chữ viết với ý nghĩa cụ thể của nó, chứ không phải là dạy một loại chữ viết vô hồn, kiểu “công nghệ chữ”.
Những yếu tố ngôn ngữ được học phải là điều tốt đẹp và nâng nhân cách con người lên. Cái xấu nếu có chỉ để học trò nhận ra, tránh xa và đấu tranh với nó. Nhiều cái xấu, cái ác, cái thô tục hay tế nhị không thể được dạy. Nếu vì muốn phù hợp về âm hay từ ngữ trong bài mà bóp méo chuyện ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ... vốn rất hay, đẹp và đã in sâu vào lòng người, thì thật là phản giáo dục.
Như vậy, một bộ sách tiếng Việt có chất lượng tốt phải có những yếu tố sau: Truyền tải được những kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ cơ bản, để học trò nắm vững, vận dụng và phát huy. Truyền thụ được cái đẹp của cuộc sống, trước tiên là của con người và văn hóa Việt, thông qua tiếng Việt. Không làm cho học trò bị ảnh hưởng từ cái xấu, cái ác, cái vô cảm, cái tầm thường, cái dung tục...
Nhưng quy định pháp lý hiện hành liên quan đến SGK theo Thông tư 33 năm 2017 của Bộ GD-ĐT từ nội dung, quy trình biên soạn, thẩm định và cho phép sử dụng thì không thể khuyến khích hay đòi hỏi có được những bộ SGK có chất lượng cao như dư luận mong muốn. Và việc xuất hiện những bộ sách tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều cũng là điều dễ hiểu.

Vắc xin cho SGK

Có thể lấy việc sản xuất vắc xin như một tham khảo quý cho biên soạn SGK. Vắc xin rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra càng cho thấy nhu cầu sớm có vắc xin tốt để phòng bệnh. Để có vắc xin tốt, cần tuân thủ các quy trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, tiêu chuẩn đánh giá và nghiệm thu nghiêm ngặt. Nếu chất lượng vắc xin kém, thì cộng đồng sẽ lãnh chịu hậu quả. Một vắc xin đạt tiêu chuẩn là khi nó an toàn, không làm lây bệnh và không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm và hiệu quả cao, bảo vệ tốt cơ thể chống lại căn bệnh đó.
Tháng 8 vừa qua, Nga công bố sản xuất thành công vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên. Đây là tin vui chung. Tuy nhiên, dư luận không tin vào chất lượng và độ an toàn của vắc xin này vì Nga đã bỏ qua một bước thử nghiệm lâm sàng bắt buộc.
Đối với biên soạn SGK cũng vậy. Cần xây dựng ngay “Hướng dẫn biên soạn SGK” làm cơ sở pháp lý và khung chuyên môn cơ bản, gồm những nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, yêu cầu chất lượng phải đạt, những điều cần tránh, quy định riêng của từng môn học hay từng cấp học... giúp biên soạn đạt chất lượng cao, và tránh được những sai sót nghiêm trọng.
SGK cần được dạy thử nghiệm ở một số đối tượng, phù hợp với việc đánh giá các công nghệ mới hay phương pháp giáo dục mới. Cần có 2 đợt thử nghiệm: Đợt 1 nên thực hiện tại các lớp sinh viên của các trường sư phạm. Đợt 2 tại các lớp học sinh trường phổ thông thực hành, cũng thuộc các trường sư phạm. Sau mỗi đợt thử nghiệm, có hội thảo và báo cáo đánh giá độc lập.
Thẩm định SGK mới cũng cần tiến hành 2 bước: Bước 1, thẩm định sau khi hoàn thành biên soạn. Bước 2, thẩm định sau khi hoàn thành các đợt dạy thử nghiệm.
Với các giải pháp nêu trên, hy vọng thế hệ học trò sau này không còn là vật thí nghiệm bất đắc dĩ cho những bộ SGK kém chất lượng nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.