Để hoạt động văn hóa không 'đóng băng'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/04/2020 06:27 GMT+7

Ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO của Heritage-Space, đều đặn đưa các thông tin về tài trợ dự án văn hóa nước ngoài lên trang Facebook Hỗ trợ nguồn lực cho nghệ sĩ.

Chẳng hạn, ông dẫn các đường link của 25 cơ hội cho nghệ sĩ toàn cầu. Ở đó, các tác phẩm mang thông điệp an toàn và sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sức khỏe tinh thần, có thể tìm được tài trợ 1.000 USD của Quỹ Amplifier. Nữ nghệ sĩ trên 40 tuổi đủ điều kiện có thể nhận được trợ cấp khẩn cấp Anonymous was a woman, với mức trợ cấp có thể lên đến 2.500 USD/người. Các tiểu thuyết có thể tìm tài trợ của Apogee...
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS), cho biết hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có các gói cứu trợ cho nghệ sĩ, giúp nghệ sĩ có việc làm, có dự án, có tác phẩm nghệ thuật, giúp họ đỡ khó khăn về kinh tế. Chẳng hạn Singapore công bố gói hỗ trợ khẩn cấp 1,6 tỉ đô la Singapore cho các nhóm nghệ thuật. Gói này bao gồm cả hỗ trợ chi phí nâng cao năng lực, giảm sử dụng các cơ sở văn hóa công, quốc gia. Quốc gia này cũng sẽ chi 55 triệu đô la Singapore để duy trì việc làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hồng Kông có chương trình hỗ trợ 55 triệu đô la Hồng Kông cho văn hóa nghệ thuật, đối tượng tài trợ là các dự án và nghệ sĩ. Các nước như Đan Mạch, New Zealand, Colombia... cũng đều có gói cứu trợ nghệ sĩ.
Theo nghiên cứu của ông Sơn, đối với quỹ tiền lương (cho định biên biên chế) với một đơn vị trong thời kỳ dịch bệnh 6 tháng sẽ vào khoảng 6 tỉ đồng. “6 tỉ đồng hỗ trợ cho một đơn vị nghệ thuật tự chủ tài chính thì không phải con số lớn. Hơn nữa, số đơn vị nghệ thuật tự chủ tài chính cũng không nhiều. Vì thế, hoàn toàn có thể hỗ trợ”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, theo ông Sơn, hỗ trợ việc làm, dự án nghệ thuật mới là cách để cả nhà nước và nghệ sĩ cùng có lợi. Lợi ích đó nằm ở tác phẩm phục vụ công chúng.
“Chúng ta quen với việc cứ khó khăn kinh tế là cắt giảm chi cho văn hóa đầu tiên, cấp lại cho văn hóa cuối cùng. Thế thì ai sẽ có tác phẩm phục vụ công chúng?”, ông Sơn băn khoăn. Hiện Hà Nội cũng đã đưa ra chính sách cắt giảm chi cho văn hóa. Cụ thể, theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội sẽ cắt hết tất cả những khoản liên quan đến hoạt động văn hóa xã hội, kinh phí cho các chương trình.
Theo ông Sơn, nếu không có các gói cứu trợ khẩn cấp, nghệ sĩ sẽ rơi vào tình trạng khó khăn vì không có việc làm. Tất nhiên, các gói cứu trợ còn cần đi với chính sách kích cầu sau khi dịch Covid-19 qua đi. Hiện tại cũng đã có đơn vị biểu diễn nhà nước tính đến chuyện cho nghệ sĩ nghỉ việc, nếu trong 2 - 3 tháng nữa tình hình không có gì thay đổi. “Hỗ trợ đầu tiên là hỗ trợ việc làm cho họ”, ông Sơn khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.