Để giữ vị ngọt cho nông sản

25/03/2024 04:18 GMT+7

Đã lâu lắm rồi, người trồng cà phê VN mới được "thưởng thức" vị ngọt hậu của nông sản "tỉ đô" khi giá hiện tại đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá tăng ngay vụ thu hoạch không chỉ giúp bà con nông dân rủng rỉnh mà còn phá bỏ định kiến "được mùa mất giá" ám ảnh ngành này hàng thập niên qua.

Từ cuối năm 2023 tới nay, giá cà phê trong nước cứ hết lập kỷ lục rồi lại phá kỷ lục. Đến thời điểm hiện tại, giá đang thẳng tiến tới 100.000 đồng/kg, cột mốc từng là "không tưởng" với cả người trồng, thương lái, doanh nghiệp và các chuyên gia thị trường. Đáng nói, giá tăng miệt mài ngay trong mùa thu hoạch, phá vỡ quy luật trước đây, cứ vào vụ là rớt thảm. Nhưng ngay khi đang thưởng thức hương vị ngọt ngào của vụ mùa bội thu thì vị đắng "truyền thống" của cà phê nói riêng và nhiều nông sản khác nói chung vẫn là lời nhắc nhở để chúng ta không ngủ quên trên chiến thắng.

Với cà phê, dù hiện tại giá tăng cao nhưng diện tích trồng đã giảm khá mạnh do nhiều thời điểm bà con chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác lợi nhuận cao hơn. Vì vậy, cũng có thể xảy ra nguy cơ đổ xô trồng cà phê trong thời gian tới thay vì đầu tư vào chất lượng, nâng cao giá trị và vị thế cà phê Việt. Cũng cần nhắc lại là dù chiếm 40% sản lượng cà phê robusta thế giới nhưng chúng ta vẫn xuất thô là chủ yếu. Cà phê đặc sản, cà phê chế biến chiếm tỷ trọng nhỏ. Thế nên, thay vì chạy theo số lượng, chiến lược dài hơi là phải nâng cao chất lượng, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới, để người trồng cà phê trong nước có thể giữ được vị ngọt hậu lâu dài.

Cần kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu | CDKT

Tương tự với sầu riêng, "ngôi sao" trên bản đồ xuất khẩu từ năm ngoái và vẫn đang rực rỡ tới tận lúc này. Giá tăng, sản lượng tăng còn thị trường thì mênh mông khiến cơn sốt trồng sầu riêng lan rộng khắp nơi. Câu nói của người sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất VN, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: "Cái gì Trung Quốc đã ăn thì chỉ sợ không có để bán" đến giờ vẫn "linh nghiệm" nhưng chỉ với sầu riêng được cấp mã vùng trồng, chất lượng tốt và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn nếu vi phạm những quy định này thì thị trường có thể đóng cửa bất cứ lúc nào. Thế nên, việc Trung Quốc mới đây phát hiện 23 lô hàng sầu riêng VN nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng với các vùng trồng trong nước. Thị trường mênh mông nhưng cũng đừng bao giờ chủ quan, buông lỏng chất lượng. Thị trường càng dễ, chúng ta phải càng khó để không chỉ trụ vững mà còn nâng cao vị thế của mình. Nên nhớ, dù kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc của chúng ta tăng vọt nhưng Thái Lan vẫn là "người khổng lồ" khi chiếm tới 70% tổng lượng sầu riêng nhập khẩu của thị trường tỉ dân. Chưa kể trong thời gian tới, cạnh tranh dự báo sẽ còn gay gắt hơn với sự tham gia của Philippines và Malaysia. Vì vậy, nếu chúng ta ngủ quên trên chiến thắng mà lơ là chất lượng thì rất dễ bị loại khỏi đường đua.

Nhìn lại mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu, hạn hán khắp nơi kéo theo nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng mạnh trên toàn cầu. Là nước nông nghiệp, VN hưởng lợi khi hàng loạt mặt hàng gạo, rau củ, trái cây tăng cả lượng và giá. Nhưng nếu chúng ta chỉ tận dụng cơ hội để "làm bàn" về lượng mà không thay đổi về chất, không chuyển đổi từ xuất thô sang tinh, xây dựng ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn chung của thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngành nông nghiệp sẽ mãi chỉ là "buôn chuyến" như Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần trăn trở.

Ngành nông nghiệp VN đang trải qua giai đoạn ngọt ngào của mùa vụ bội thu nhưng có giữ được hương vị này dài lâu hay không phụ thuộc vào chính chúng ta: Đó là tầm nhìn chiến lược của những người hoạch định chính sách và thái độ chuyên nghiệp của người trồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.