Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang

27/11/2023 08:00 GMT+7

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng nhiều danh thắng, di tích lịch sử… Kiên Giang có điều kiện thuận lợi để đầu tư, khai thác, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nhiều tiềm năng, thế mạnh

Kiên Giang có những đặc trưng riêng mà ít địa phương đồng bằng ven biển có được, như: rừng nguyên sinh, núi đồi, sông suối, hải đảo…; có hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, góp phần xây dựng thương hiệu, định vị hình ảnh du lịch Kiên Giang trên bản đồ du lịch quốc gia và thế giới.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang - Ảnh 1.

Lung linh đảo ngọc Phú Quốc

TRUNG HIẾU

Điều kiện tự nhiên, xã hội tạo cho Kiên Giang có tiềm năng phát triển du lịch. Tỉnh có vùng biển rộng lớn, 5 quần đảo còn hoang sơ với hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ; có rừng nguyên sinh, là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đặc biệt, đảo Phú Quốc đang được đầu tư trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam và thế giới. Nơi đây có nhiều bãi biển cát trắng, nước biển xanh; Phú Quốc còn có Vườn quốc gia với diện tích 31.422 ha, là khu bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới - hải đảo, có nguồn động thực vật rừng quý hiếm, có giá trị; các sinh cảnh rừng tự nhiên độc đáo.

Chỉ tay về những chiếc cabin của cáp treo Hòn Thơm chở du khách vượt biển ngang qua Hòn Rỏi (P.An Thới, TP. Phú Quốc), ông Nguyễn Văn Hải, người hơn 40 năm gắn bó với hòn này, chia sẻ: "Nếu không có công trình vượt biển này chắc giờ Hòn Rỏi vẫn chưa có khách du lịch biết đến". Ông Hải kể, trước đây ở Hòn Rỏi người dân chỉ làm nghề đi ghe biển và lặn biển bắt ốc, sò… thu nhập thấp và cực khổ, nguy hiểm. Từ khi du lịch phát triển, giá hải sản nâng lên nhiều so với trước, người dân trên hòn làm homestay phục vụ du khách, đời sống phát triển hơn trước.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang - Ảnh 2.

Khách quốc tế tại TP.Phú Quốc

TRUNG HIẾU

Ngoài Phú Quốc, TP.Hà Tiên của Kiên Giang cũng có thế mạnh về du lịch rất lớn; địa phương nằm trong tuyến du lịch R10 (Việt Nam - Campuchia - Thái Lan) mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế và du lịch. Du khách có thể chọn du lịch đường bộ khi tham gia tuyến đường này từ Thái Lan, Campuchia đến Kiên Giang thông qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Trong khi đó, TP.Rạch Giá là nơi đầu tiên ở Việt Nam thực hiện lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị lớn vùng Tây Nam bộ.

Riêng Vườn quốc gia U Minh Thượng, với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu cũng như du lịch…

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang - Ảnh 3.

Du lịch thể thao Phú Quốc đang trở thành thương hiệu thu hút đông đảo khách quốc tế tham dự, trải nghiệm, khám phá

TRUNG HIẾU

Phấn đấu đến năm 2030 du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Với mục tiêu tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, chuyên nghiệp, hiện đại... Đến năm 2030, du lịch Kiên Giang thu hút trên 1,6 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt du khách nội địa; đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh, đạt 105.000 tỉ đồng.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA), thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 109/KH-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về phát triển du lịch, du lịch Kiên Giang có nhiều khởi sắc. Tính riêng giai đoạn năm 2018-2023, Kiên Giang đón trên 37 triệu lượt khách du lịch; trong đó trên 2 triệu lượt khách quốc tế (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2030 cả du khách nội địa và quốc tế); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 66.000 tỉ đồng; tăng trưởng bình quân đạt hơn 6%/năm. Hiện, lao động du lịch toàn tỉnh trên 15.000 người. Dự kiến đến năm 2025, Kiên Giang đón hơn 10 triệu lượt khách, với tổng thu du lịch hơn 13.000 tỉ đồng…

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang - Ảnh 4.

Khách du lịch trải nghiệm chơi Flyboard tại TP.Hà Tiên

TRUNG HIẾU

Kiên Giang hiện có có 940 cơ sở lưu trú với 33.275 phòng, riêng hạng 4 - 5 sao có 26 cơ sở với 11.133 phòng. Toàn tỉnh thu hút 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng diện tích 9.663 ha và tổng vốn đầu tư 372.484 tỉ đồng. Trong đó, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng với quy mô lớn, hiện đại, ngang tầm quốc tế đạt tiêu chuẩn 4-5 sao được đầu tư: Vinpearl resort, Novotel resort, Mariot resort…; các khu vui chơi giải trí, casino, safari, cáp treo vượt biển, sân golf 18 hố…

Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA) cho biết, để góp phần đưa du lịch phát triển bền vững, là ngành kinh tế mũi nhọn, KITRA tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng; đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát du lịch Kiên Giang; tăng cường phối hợp với các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch…

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang - Ảnh 5.

TP.Rạch Giá với những công trình lấn biển quy mô, đẳng cấp đang dần thu hút người dân, du khách đến khám phá và lưu trú

TRUNG HIẾU

"KITRA cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua các nền tảng xã hội, marketing điện tử. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị tập trung triển khai để tăng cường quảng bá số, phát triển du lịch thông minh. Kiên Giang cũng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các hoạt động tiếp thị thương hiệu du lịch với các thị trường mục tiêu và các chiến dịch B2B", bà Lụa thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.