Để cỏ sân Mỹ Đình được... xanh

02/01/2023 04:28 GMT+7

Trong khi ngành thể thao đang tất bật tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vướng mắc để giải quyết những vấn đề lớn về cách vận hành, quản lý và tài chính của Khu liên hợp thể thao quốc gia (khu liên hợp) thì trước mắt còn một chuyện cần nhanh chóng dứt điểm ngay, và có lẽ không khó để xử lý.

Đó là làm sao để mặt cỏ sân Mỹ Đình đạt tiêu chuẩn quốc tế, để HLV Park Hang-seo không phải yêu cầu học trò mang giày đinh sắt mỗi lần thi đấu trên sân nhà vì nơm nớp lo cầu thủ dính chấn thương.

Thời gian qua, dư luận nhiều lần lên tiếng trước hình ảnh kém “sắc nét” của sân Mỹ Đình từ thực trạng mặt cỏ đến sự xuống cấp của nhiều hạng mục khác thuộc khu liên hợp. Để giải thích, lãnh đạo ngành thể thao và lãnh đạo khu liên hợp nêu ra một loạt lý do như cỏ sân Mỹ Đình không xanh vì Hà Nội đang vào mùa đông, trời ít nắng, đang nợ thuế nên không còn nhiều kinh phí để bảo dưỡng sân ở mức tốt nhất có thể, mặt sân bị quá tải…

Tuy nhiên, chỉ cách sân Mỹ Đình đúng “3 bước chân”, tổ hợp sân của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (gọi tắt là trung tâm) nằm phía trong trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), địa điểm tập luyện chính của các tuyển quốc gia, từ nam, nữ cho đến các đội trẻ, mặt sân dù ở hình thái thời tiết nào cũng xanh mướt, mặt cỏ êm mượt, nhìn rất dễ chịu.

Mấy hôm trước khi tuyển Việt Nam tập ở sân Mỹ Đình chuẩn bị cho các trận đấu tại AFF Cup 2022, ban huấn luyện còn tỏ ý ngạc nhiên là tại sao sân quốc gia lại “kém lung linh” đến vậy, trong khi sân của trung tâm lại tốt đến vậy, mặc dù khoảng cách từ sân nọ đến sân kia chỉ khoảng 1 km. Có người còn nói đùa hay tại VFF không có… mùa đông nên mặt sân “ngon lành cành đào”. Lý do sân Mỹ Đình bị quá tải, dẫn tới mặt cỏ xác xơ cũng hoàn toàn không đúng vì mật độ tập luyện ở đây sao bằng ở sân của trung tâm. Mỗi năm, tuyển Việt Nam và các đội khách tập ở sân Mỹ Đình không quá nhiều, không thể khiến mặt sân xấu đi được. Lạ lùng còn ở chỗ sân Mỹ Đình và sân trung tâm đều trồng loại cỏ giống hệt nhau là cỏ Bermuda nhưng nếu đặt cạnh nhau thì đúng là một trời một vực.

Hỏi ra mới biết, sân của trung tâm được chăm sóc tốt mà không cần tốn quá nhiều tiền. Mật sân được chăm sóc thường xuyên mỗi ngày và chăm sóc chuyên sâu khoảng 1 tháng, 2 tháng/lần. Chu kỳ bảo dưỡng chuyên sâu phụ thuộc vào kế hoạch tập luyện của các đội chứ không phải chu kỳ cố định và chính sự linh hoạt này đã giúp mặt sân luôn tốt nhất có thể. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, nước được tưới nhiều hơn, cách bón phân cũng khác mùa hè, loại phân nào phù hợp cũng được tính toán rất kỹ. Vì chăm sóc đúng chuẩn, đúng lộ trình nên kinh phí lại rất vừa phải, không phải tốn quá nhiều tiền như lo ngại của ngành thể thao. Ban quản lý sân Mỹ Đình hoàn toàn có thể “mang sách vở” sang học tập, tham khảo cách chăm sóc sân.

Thời tiết giá lạnh, sương muối vào mùa đông đúng là có tác động tiêu cực nhất định đến chất lượng mặt cỏ nhưng nếu biết bảo dưỡng đúng cách, sân Mỹ Đình - sân vận động quốc gia của Việt Nam - hoàn toàn có thể đẹp đẽ, hiện đại, đúng tiêu chuẩn quốc tế bất chấp trời lạnh hay nóng, khí hậu khô hay ẩm, ngân sách nhiều hay ít.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.