Để chính sách được thực thi

23/12/2022 04:08 GMT+7

Doanh nghiệp kêu trời vì chi phí vốn tăng cao, trong khi gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% ế ẩm. Room tín dụng được nới nhưng vốn chưa thể chảy tới những nơi cần tiền...

Đó là những nghịch lý đang tồn tại trên thị trường vốn hiện nay.

Gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% bị ế trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều khát vốn, đặc biệt là vốn rẻ, đã được nói từ hồi tháng 8. Còn nhớ khi đó, cả thị trường ngã ngửa khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ giải ngân hết sức khiêm tốn, chỉ hơn 13 tỉ đồng trong tổng số hơn 16.035 tỉ đồng phân bổ ở năm 2022, sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ. Nguyên nhân là thủ tục khó tiếp cận; rồi thì tiền ngân sách nên cả DN và các NH thương mại đều không mấy mặn mà vì ngại sau này phải tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Câu chuyện này cũng vừa được đặt ra tiếp ở Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ DN phục hồi, phát triển” của Bộ Tư pháp ngày 20.12 qua. Theo đó, từ thực trạng ế ẩm cho tới nguyên nhân khiến dòng vốn tắc nghẽn không có gì thay đổi. Vẫn là thủ tục khó tiếp cận; NH và DN ngại cho vay, ngại vay... Điều không ai hiểu nổi là tại sao những nút thắt dù đã được nhận diện từ rất sớm lại không được quyết liệt tháo gỡ khiến một chính sách quan trọng của Chính phủ không thể đi vào thực tế.

Nhìn gói này lại lo cho gói vốn vừa được mở từ nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%. Chúng ta đều biết, quý 4 là quý khốn khó chưa từng thấy của hầu hết DN ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Các kênh cung vốn như trái phiếu, chứng khoán, tín dụng đều tắc khiến họ thúc thủ nhìn cơ hội đi qua, thúc thủ nhìn dự án dở dang, thúc thủ nhìn mùa cao điểm cuối năm ập tới, nhu cầu cao hơn nhưng không có tiền để đưa hàng ra thị trường. Sau rất nhiều phân tích, đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước; sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cuối cùng NHNN cũng quyết định “nới room” vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đóng cửa năm tài chính 2022. Thị trường như nắng hạ chờ mưa, khấp khởi tính toán tỷ lệ 1,5 - 2% room nới thêm sẽ ra số tiền cụ thể là bao nhiêu. Rồi thì thăm dò xem nhà băng nào được cấp quota tín dụng để chuẩn bị hồ sơ xin vay... Thế nhưng dù tết năm nay đến sớm nhưng giải ngân của các nhà băng thì vẫn đủng đỉnh. Đến thời điểm này, theo khảo sát của chúng tôi, vay vốn tín dụng vẫn không hề đơn giản. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản, dù đã được Thủ tướng chỉ đạo cụ thể, càng xa vời hơn. Một lần nữa, tín dụng vẫn chỉ là bánh vẽ, chưa thể chảy vào sản xuất, chảy vào các dự án đang dở dang, có sức lan tỏa lớn... để tạo động lực cho kinh tế phục hồi.

Trước đó, vốn đầu tư công, được xác định là dòng vốn chủ lực để tạo động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, cũng rơi vào tình trạng không giải ngân được. Sau bao họp hành, giải pháp, chế tài... thì đến lúc này, áp lực tiêu tiền đang khiến nhiều địa phương, bộ ngành đau đầu, ngay trong bối cảnh hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia vẫn trễ tiến độ... vì khát tiền.

Chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc biệt... không chỉ nhằm tiếp sức DN, người dân trong giai đoạn khó khăn mà còn thể hiện sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của nhà nước với họ. Thế nên, đừng để chính sách thành bánh vẽ chỉ vì nút thắt thủ tục hay tâm lý sợ trách nhiệm của những người thực thi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.