Dễ Bộ, khổ dân

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
16/04/2018 16:05 GMT+7

Cứ nhắm vào dân để tăng thuế cũ, đề xuất thuế mới thay vì triển khai các giải pháp chống thất thu, giảm các khoản chi lãng phí, đề xuất các giải pháp đột phá để tăng thu bền vững... Cách làm này dễ cho Bộ Tài chính nhưng lại khiến người dân khốn khổ vì túi tiền ngày càng teo tóp.

Điểm lại sẽ thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Tài chính đã đề xuất khá nhiều loại thuế đánh vào túi tiền người dân, như nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng mỗi lít. Sau khi đề xuất này không nhận được sự ủng hộ, Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế môi trường lên kịch khung theo quy định hiện hữu, từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít xăng. Rồi tăng thuế VAT từ 10% lên 12%; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt; tăng thuế thu nhập cá nhân; tăng thuế đất, đánh thuế nhà có giá từ 700 triệu đồng trở lên... Mỗi phương án, Bộ đều đưa ra số thu hết sức cụ thể. Ví dụ tăng thuế môi trường lên 4.000 đồng/lít với xăng sẽ thu được khoảng 57.000 tỉ đồng; đánh thuế tài sản có thể mang về 22.000 - 30.000 tỉ đồng... Điều này cho thấy Bộ tính toán rất kỹ, được thông qua là có thể thu ngay. Nhưng dễ cho Bộ thì không chỉ dân khổ mà các chủ trương lớn của Chính phủ có nguy cơ bị phá sản.
Đơn cử đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng trở lên thì chính sách lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4,8%/năm mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký không còn nhiều ý nghĩa, bởi ngưỡng thuế 700 triệu đồng đã "quét" cả người có thu nhập thấp vào diện chịu thuế. Nói cho dễ hiểu là người nghèo vừa được Chính phủ giảm lãi vay thì lại bị Bộ Tài chính đánh thuế nhà.
Hay việc tăng thuế đất gấp hơn chục lần (từ mức 0,03 - 0,15% hiện tại lên 0,3 - 0,4% trong dự thảo luật Thuế tài sản), giá bất động sản chắc chắn sẽ tăng. Hiện nhiều tỉnh, thành đang khốn khổ vì cơn sốt ảo đẩy giá nhà đất tăng phi mã; một số bộ ngành đã vào cuộc để chặn nguy cơ bong bóng bất động sản thì thông tin tăng thuế đất lần này hoàn toàn có thể khiến các nỗ lực trên tiêu tan.
Trong khi rất nhiều giải pháp hiệu quả để cân đối ngân sách thì Bộ Tài chính lại không quyết liệt. Đầu tiên là giảm chi. Chi thường xuyên (nuôi bộ máy hành chính) hằng năm vẫn rất cao. Hai tháng đầu năm nay, chi thường xuyên chiếm hơn 83,1% tổng chi ngân sách. Chỉ cần giảm chi thường xuyên, ngân sách có thêm một khoản lớn. Tương tự, thay vì tìm cách đánh thuế tài sản của người dân (xin nói rõ là hầu hết các tài sản nhà, đất... đã chịu thuế trực tiếp hoặc gián tiếp), Bộ hãy quyết liệt truy thu thuế của các đại gia FDI chuyển giá; những "ông lớn" mạng xã hội có doanh thu khủng ở VN; những trang đặt phòng trực tuyến nước ngoài làm bá chủ thị trường nội nhưng không nộp thuế...
Trước mắt Bộ hãy cắt nhanh 50% trong tổng số 713 chi cục thuế hiện hành như lời Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã cam kết. Việc này không chỉ giảm chi cho bộ máy cồng kềnh mà còn giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian khi phải tới các "cửa” này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.