Để bắt kịp chuyến tàu công nghệ bán dẫn

20/09/2023 04:21 GMT+7

Thời gian qua, VN đã có những bước tiếp cận và đạt nhiều điều kiện quan trọng để có thể khai phá cơ hội từ ngành bán dẫn, công nghệ toàn cầu giữa bối cảnh lĩnh vực này đang tái cấu trúc mạnh mẽ.

Chỉ hơn 1 tuần trước, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến VN theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã có tuyên bố chung nâng cấp quan hệ với kinh tế là một trụ cột quan trọng.

Qua đó, hai bên có thêm nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác về lĩnh vực bán dẫn và công nghệ, với những nền tảng sẵn có như hai bên cùng tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Thời gian gần đây, VN luôn nằm trong nhóm đầu danh sách các quốc gia xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. Điển hình, tháng 2 vừa qua, Mỹ có kim ngạch nhập khẩu chip bán dẫn lên đến 4,86 tỉ USD, tăng đến 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu từ châu Á chiếm đến 83% và VN xếp thứ ba với giá trị 562,5 triệu USD, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ những nền tảng chung, VN còn có thêm những bước tiếp cận chi tiết hơn các cơ hội. Trong khuôn khổ chuyến đi đang diễn ra để tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết hợp đến thăm và làm việc tại thung lũng Silicon (phía bắc bang California, Mỹ). Thung lũng Silicon được xem như trung tâm công nghệ của Mỹ khi tập hợp các "đại gia" công nghệ hàng đầu nước này. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc tại các tập đoàn như Meta (sở hữu Facebook), công ty sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới Nvidia, và Synopsys là công ty chuyên cung cấp phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử.

Hiện nay, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN (VAST) đang nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia nhằm hỗ trợ triển khai các giải pháp AI mới nhất. Hay thăm Công ty Synopsys, Thủ tướng đã chứng kiến Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH-ĐT ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch (IC) tại VN; trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo VN thăm và làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Đó là cách để đảm bảo sự tiếp cận toàn diện về vĩ mô nhằm xây dựng các khung hợp tác tầm quốc gia, và vi mô để tăng cường thu hút, hợp tác với các tập đoàn công nghệ cả về công nghệ lẫn đào tạo nhân lực, xây dựng năng lực nội tại cần thiết.

Cách tiếp cận bài bản này là tiền đề quan trọng mà qua đó chúng ta cần có thêm những chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm thu hút và xây dựng ngành nhân lực cần thiết để phát triển ngành bán dẫn.

Quá trình này đòi hỏi thời gian cần thiết, mà cách rút ngắn duy nhất chính là đẩy mạnh năng lực đào tạo và hợp tác đào tạo của các trường đại học, viện nghiên cứu… Trong đó, nhà nước cần có một chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa các cơ sở đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, điển hình như các chính sách ưu đãi về ngân sách, hỗ trợ kết nối với các nguồn lực đào tạo hàng đầu thế giới như các tập đoàn công nghệ, đại học hàng đầu thế giới về lĩnh vực liên quan.

Có như thế, VN mới nhanh chóng bắt kịp chuyến tàu công nghệ bán dẫn đang tiến nhanh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.