ĐBSCL: Liên kết vùng còn kém do xung đột lợi ích

Đình Tuyển
Đình Tuyển
14/03/2021 08:34 GMT+7

Theo ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng khu vực ĐBSCL thời gian qua chưa đạt được nhiều kết quả là do một số địa phương gặp phải vấn đề xung đột lợi ích.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP (NQ 120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã có những kết quả khả quan nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn ở khá xa so với mục tiêu đề ra.
Theo ông Châu, một trong những hạn chế là liên kết vùng còn khó khăn. “Nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng thời gian qua chưa đạt được nhiều kết quả là do một số địa phương gặp phải vấn đề “xung đột lợi ích”, địa phương nào cũng muốn bứt phá, nên xảy ra tình trạng cạnh tranh với nhau. Trong khi đó, biến đổi khí hậu là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính một tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng, hành động tập thể. 13 tỉnh thành ĐBSCL cần nhìn về một hướng với mục tiêu chung, từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau cùng thích ứng”, ông Châu nói.
Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cũng đánh giá cơ chế liên kết vùng vẫn còn bất cập, trong đó Hội đồng vùng đã được thành lập với cơ chế Phó thủ tướng là Chủ tịch Hội đồng vùng. Tuy nhiên, thể chế Hội đồng vùng chưa được đề cập trong văn bản quy phạm pháp luật nên sẽ rất khó thực hiện các chủ trương của Hội đồng vùng.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, kiến nghị Chính phủ cần sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050. Trong việc tìm thị trường lớn cho nông sản, ông Mạnh cho rằng hiện tại ĐBSCL chưa có tuyến vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế. Về đường hàng không, đến nay, sân bay Cần Thơ vẫn chưa được đầu tư nhà ga hàng hóa và khu logistics hàng không. Cảng quốc tế Cái Cui - Cần Thơ có công suất tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn, nhưng không có hàng hóa thông quan.
Cũng liên quan liên kết trong sản xuất nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định có một tồn tại lâu nay là nông dân tích tụ ruộng đất quá kém, sản xuất manh mún, rất khó áp dụng khoa học kỹ thuật dẫn tới hiệu quả sản xuất chưa cao. “Cần chủ động, không để nông dân tự phát chuyển lúa thành cây ăn trái rải rác, mà cần có định hướng vùng trồng mỗi loại cây, rồi mới tạo cấu trúc hạ tầng thích hợp. Tìm mời các doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm của vùng, rồi tổ chức cho nông dân hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp để chế biến bán cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà doanh nghiệp có tâm và có tầm tham gia trong môi trường sản xuất, kinh doanh nông sản…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.